📢 Bài mới

6/recent/ticker-posts

[PDF] MẶC HỌC (MẶC TỬ VÀ BIỆT HỌC) - NGUYỄN HIẾN LÊ - TẢI SÁCH PDF MIỄN PHÍ



Trong tập Hồi kí, cụ Nguyễn Hiến Lê cho biết về cuốn Mặc học như sau:

Từ năm 1977, được nhàn rỗi, tôi lại tiếp tục nghiên cứu hết các triết gia lớn đời Tiên Tần, để thực hiện xong chương trình tôi đã vạch từ sáu năm trước và soạn thêm năm cuốn nữa: Mặc Học, Lão Tử, Luận Ngữ, Khổng Tử, Kinh Dịch.

– Mặc học (gồm Mặc Tử và phái Biệt Mặc)

Đạo Mặc là đạo Khổng của bình dân, do một tiện nhân thành lập. Mặc Tử sinh sau Khổng Tử, chịu ảnh hưởng của Khổng, cũng tôn quân, trọng hiền, đề cao đạo đức và sự tu thân như Khổng, nhưng chống Khổng ở chỗ ghét lễ nghi, cho nó là phiền phức, xa xỉ, ghét ca nhạc, mà lại có tinh thần tín ngưỡng rất mạnh. Đạo Mặc gần như một tôn giáo, tổ chức cũng chặt chẽ như một tôn giáo. Nó chỉ thịnh ở thời Chiến Quốc, các thời sau không một triều đại nào dùng nó vì thuyết kiêm ái và bỏ chính sách mĩ thuật, sống khắc khổ của nó không hợp nhân tình, nhưng nó có ảnh hưởng khá lớn: mở đường cho Lão Tử vì nó chủ trương bình đẳng giữa các giai cấp (không kẻ giàu người nghèo) và trở về lối sống bình dị; mở đường cho cả pháp gia nữa vì trọng quyền lực, trọng lao động và buộc người dưới phải thống nhất tư tưởng với người trên, buộc dân phải cáo gian…

Mặc Tử mất rồi, chỉ trong vài thế hệ, môn đồ không còn giữ chủ trương của ông nữa, bỏ hẳn chính trị, đạo đức, mà suy tư về tri thức, biện luận, khoa học (hình học, lực học, quang học)… khiến cho triết học Trung Hoa có được vài nét của triết học phương Tây thời Hi Lạp. Đó là một cống hiến đáng kể của bọn môn đệ Mặc Tử mà người ta gọi là phái Biệt Mặc.

Gần đây các học giả Trung Hoa rất chú ý tới Mặc học vì họ nghĩ rằng giá triết học đó không bị dìm trong mấy ngàn năm thì chưa biết chừng Trung Hoa đã có tôn giáo, khoa học như phương Tây. Một lẽ nữa là chính sách của Mặc Tử có vài điểm hợp với chế độ cộng sản.

Ở nước ta, mới chỉ có Ngô Tất Tố giới thiệu Mặc Tử trong một tập mỏng. Bộ của tôi dày 350 trang, nửa trên về Mặc Tử, nửa dưới về Biệt Mặc, gọi chung là Mặc học. Tôi lại trích dịch mười chín thiên quan trọng nhất của Mặc Tử. Ông có giọng một nhà truyền giáo: hùng hồn, bình dị, lập đi lập lại để đập vào óc thính giả.

Đọc cuốn Mặc học chúng ta thấy có rất nhiều chỗ cụ dịch lại những đoạn mà trước kia hai cụ và cụ Giản Chi đã dịch trong Đại cương triết học Trung Quốc, và một phần do vậy mà nhận định của cụ về học thuyết của Mặc tử trong tác phẩm đó nhiều chỗ cũng không giống nhau. Ngay trong cuốn Tuân tử cũng có chỗ khác biệt với cuốn Mặc Học. Trong cuốn Tuân tử, hai cụ bảo:

“Tuân Tử rất đề cao nhạc, cho nên ông lấy làm quái về cái chủ trương “phi nhạc” của Mặc gia vì Mặc kết tội nhạc là thứ nhạc của bọn cầm quyền, xa xỉ, không ích gì cho dân, mà tốn của dân. Trái lại, Tuân Tử năm lần, bảy lượt, nhắc đi nhắc lại câu hỏi: “Mặc Tử chê nhạc nghĩa là làm sao?” (Nhi Mặc Tử phi chi nại hà?). Và ông kết luận: Mặc đáng làm tội: “Thế mà Mặc Tử lại cho lễ nhạc là không phải thì thật đáng làm tội” (Nhi Mặc Tử phi chi, cơ ngộ hình dã).

Thật ra, kết tội Mặc thì oan cho Mặc. Không phải Mặc không biết trọng lễ nhạc. Không phải Mặc chỉ thấy cái lợi của cái “hữu” mà không thấy cái dụng của cái “vô”. Cũng không phải Mặc không biết cái lẽ “ngựa kéo mãi không nghĩ, cung dương mãi không buông, giống có huyết khí ai mà chịu nổi” (Lời Trịnh Phồn phê bình chủ trương “phi nhạc” của Mặc trong Tam Biện). Sở dĩ Mặc “phi nhạc” là vì dân chúng đương thời cùng khổ quá mà đối với trăm họ đói rét thì cơm áo cấp thiết hơn âm nhạc, ca vũ và các bộ môn nghệ thuật khác nhiều. Có lẽ chỉ giản dị như thế thôi!”

Còn trong cuốn Mặc học, cụ Nguyễn Hiến Lê bác ý kiến trên. Sau khi dẫn một đoạn trong thiên Công Mạnh, cụ kết như sau:

“Rõ ràng Mặc tử bắt mọi người phải khắc khổ như ông, mạc sát nhạc và mọi mĩ nghệ, không hiểu rằng nhạc, nếu tốt, có công dịch tục, mà có mĩ nghệ thì kinh tế mới phát triển được. Ông bảo nhu cầu của dân mệt thì được nghỉ ngơi, mà ông quên rằng nghe nhạc là một cách nghỉ ngơi rất tốt; ông chỉ lo tận lực làm việc, sản xuất cho thật nhiều, nhưng ca nhạc có thể giúp cho năng suất tăng lên mà quên mệt, tức như các điệu dân ca khi đi cấy, các điệu hò chèo thuyền v.v… Ngày nay tại các xí nghiệp lớn, người ta còn cho thợ vừa làm việc vừa nghe những bản nhạc êm đềm nữa”.

Sau cuốn Mặc học, cụ Nguyễn Hiến Lê còn soạn thêm một số tác phẩm nữa, trong đó có bộ Sử Trung Quốc. Trong Mặc học, cụ nêu thuyết vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn như sau:

“Theo truyền thuyết, vua Nghiêu trị vì 100 năm, từ 2357 đến 2257, rồi nhường ngôi cho vua Thuấn chứ không truyền lại cho con. Vua Thuấn trị vì từ 2255 đến 2207, rồi nhường ngôi cho vua Vũ (nhà Hạ) chứ không truyền ngôi cho con. Hai ông ấy rất thương dân, rất bình dân, được dân coi như cha. Và dân tộc Trung Hoa từ thời Tiên Tần đến thời Thanh, đều coi thời thịnh trị của Nghiêu, Thuấn là hoàng kim thời đại của họ. Truyền thuyết đó đáng tin đến mức nào, chưa ai quyết đoán được; có thể hai ông ấy chỉ là tù trưởng của một bộ lạc lớn thời mà Trung Hoa mới biết canh tác, theo chế độ thị tộc, chưa thành một quốc gia, mà việc “truyền hiền” chứ không “truyền tử” chỉ là tục chung của các bộ lạc chứ không phải là “đức lớn” của Nghiêu, Thuấn: khi họ chết thì lựa người nào có tài, có công lớn hơn cả, đưa lên thay họ, họ không có quyền truyền ngôi cho ai hết”.

Còn trong bộ Sử Trung Quốc, cụ lại nêu một thuyết khác. Cụ bảo:

“Nghiêu và Thuấn chỉ là tù trưởng của một thị tộc. Có thể Nghiêu được nhiều bộ lạc liên hiệp bầu làm thủ lĩnh (mỗi bộ lạc gồm nhiều thị tộc). Nghiêu, Thuấn lên ngôi cách nhau cả trăm năm như truyền thuyết chép lại thì khó có sự Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn được: lúc đó Nghiêu bao nhiêu tuổi, Thuấn bao nhiêu tuổi? Có lẽ Thuấn là thủ lĩnh nhiều bộ lạc khác, sau chiếm được đất đai của Nghiêu, rồi thay Nghiêu mà làm “thiên tử”.






- Hỗ trợ Dân tộc King -

Đăng nhận xét

0 Nhận xét