📢 Bài mới

6/recent/ticker-posts

SẤM TRUYỀN NĂM TRĂM NĂM – THỜI CUỘC THẾ KỈ



“Thần cơ huyền bí rất tinh thông
Xứ xứ, ai ai cũng biết ông
Một nước Chu, Trình danh giá trọng
Hai triều Lê Mạc nợ nần chung.”
Đó là những câu thơ khuyết danh kể về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng những lời sấm truyền của ông tới mãi đời sau. Nguyễn Bình Khiêm (1491–1585) là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỉ XVI với lịch sử cũng như văn học Việt Nam. Người ta biết đến ông với cái tên Bạch Vân cư sĩ hay Tuyết Giang phu tử. Nguyễn Bỉnh Khiêm sau được người đời suy tôn là Thanh Sơn đạo sĩ trong đạo Cao Đài, ông được dân gian quen gọi là Trạng Trình.
Những câu sấm truyền của Nguyễn Bỉnh Khiêm được lưu truyền rộng rãi trong dân gian và đã được tập hợp lại trong tác phẩm “Sấm Trạng Trình”. Vua Trần Nhân Tông từng nói: “Kinh Dịch xem chơi, yêu tính sáng yêu hơn châu báu. Sách Nhàn đọc giấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim.” Từ đây, người ta càng nhận thấy sự thần kì đến hoang đường trong lời sấm ký của ông. Những câu sấm truyền suốt hơn năm trăm năm, chảy suốt dòng lịch sử đất nước đã trở thành di sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Hôm nay chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu một số lời sấm của ông nhé!
Sau khi mất, lời sấm của Nguyễn Bình Khiêm vẫn được nhân dân lưu truyền và đối chứng. Trong Sấm Trạng Trình, đoạn 5, có hai câu:
“Hà thời biện lại vi vương
Thử thời Bắc tận, Nam trường xuất bôn.”
-
(khi nào kẻ biện lại làm vua thì đó là lúc miền Bắc mất mà miền Nam cũng phải chạy dài.)
Chữ “biện” trong câu chỉ việc buôn bán, chỉ kẻ thương nhân. Trong lịch sử, duy chỉ có ba anh em Tây Sơn (ở đây cụ thể là Nguyễn Nhạc do đoạn 3 cụ Khiêm nhắc đến “Chấn cung”, theo bát quái chỉ người bề trên) là từ chức buôn trầu mà lên được ngôi vua. Sau đó, tình hình đất nước diễn ra giống như những gì lời sấm đã truyền.
Thế cục đất nước lúc này một phen náo loạn. Phía Nam nhà Nguyễn hùng cứ, phía Bắc họ Trịnh xưng chúa; trên tuy còn vua Lê nhưng quyền hành lại vào cả tay chúa. Đã vua lại còn chúa, thành ra vua chẳng phải vua, thần chẳng phải thần, phép vua vậy mà chẳng thành toàn. Về sau, trong Nam xuất hiện tên Trương Phúc Loan chuyên quyền làm bậy; ngoài Bắc kiêu binh làm loạn, đình thần khoanh tay cam chịu; nhân dân theo vậy mà lầm than đói khổ.
Anh em Nguyễn Nhạc là người dân áo vải lúc ấy đã dấy binh, chống nhau với chúa Nguyễn để lập nghiệp trên đất Quy Nhơn. Không bao lâu quân Tây Sơn thắng trận, tiêu diệt chúa Nguyễn rồi thừa thắng “phù Lê diệt Trịnh” đem binh ra diệt chúa Trịnh ở Bắc, trả lại Bắc Hà cho nhà Lê. Vua nhà Lê từ đó thoát khỏi nạn chúa Trịnh chuyên quyền. Nhưng sau khi vua Hiền Tông mất, Chiêu Thống lên ngôi, dòng dõi chúa Trịnh lại trở về. Lo sợ thế lực chúa Trịnh, vua Lê mật triệu Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An ra giúp. Chỉnh lập công lớn là dẹp tan đám con cháu họ Trịnh nên được Chiêu Thống giữ lại theo mình, nhưng về sau lại chuyên quyền, ra mặt chống quân Tây Sơn.
Nguyễn Huệ thấy vậy liền sai tướng đem quân đánh Hữu Chỉnh, khi quân đến gần Thăng Long, Chỉnh đem vua chạy trốn. Nửa đường Chỉnh bị bắt sống. Còn vua thì thoát nhưng phải giả dạng làm thường dân giấu ấn tín trong mình để chạy.
Vì vậy, trong thời "biện lai vi vương" không những miền Bắc bị diệt, mà miền Nam cũng phải bôn ba chạy trốn, không những chạy trốn một lần mà là nhiều lần. ( Tôn thất họ Nguyễn - Nguyễn Ánh bấy giờ phải bôn ba hải ngoại, lênh đênh trên biển để chạy trốn quân Tây Sơn)
Đến khổ 8, lại viết:
“Đoài cung một sớm đổi thay
Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn
Dầu cha lộn xuống chân con
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi.”
Trong kinh dịch, “Đoài Cung” là phương Tây chỉ người em còn “Chấn Cung” là phương Đông chỉ người anh. Câu này chỉ sự mâu thuẫn nội bộ giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, về sau Nhạc suy yếu, Huệ lên thay.
Chữ “Quang” (trong Quang Trung) có chữ “tiểu” ở trên, còn chữ “Cảnh” (trong Cảnh Thịnh) lại có chữ “tiểu” ở dưới. Cảnh Thịnh là niên hiệu của Nguyễn Quang Toàn - con vua Quang Trung. Hai đời này vừa được mười bốn năm vì thế mới có câu: “Đầu cha lộn xuống chân con, Mười bốn năm tròn hết số thì thôi”.
Điều vi diệu nữa là, lời sấm Trạng Trình đã tiên đoán cả những sự việc diễn ra trong thế kỉ XX sau này, cả về việc nhân dân ta khốn khổ dưới gông cùm của thực dân, đế quốc và đỉnh cao là Cách Mạng Tháng 8 dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Khổ 26, “Sấm Trạng Trình” viết:
“Ba con đổi lấy một cha
Làm cho thiên hạ xót xa vì tiền”
Vào những năm 30 của thế kỉ XX, đầu triều Bảo Đại, đất nước gặp nhiều khó khăn do biến cố thiên nhiên (đất lở cái bồi) , thực dân Pháp lại chủ trương ra đồng tiền Bảo Đại thay dần đồng Khải Định. Đồng Bảo Đại ra đời với giá trị rất thấp, một đồng Bảo Đại, người ta chỉ có thể mua được hai ba cọng hành lá. Mất 3 đồng Bảo Đại mới đổi được 1 đồng Khải Định, “ba con đổi lấy một cha” chính là vậy.
So sánh tỉ giá bấy giờ, hoàn toàn không có giá trị về măt kinh tế. Trước đây, người ta thường dùng đồng Khải Định để cho người ăn xin, nhưng kể từ khi đồng Bảo Đại ra đời, chiếm độc tôn trị giá thấp nhất, ăn mày đã khổ lại còn khổ hơn, chỉ có thể nhận về, gop góp những đồng tiền gần như vô giá trị. Không riêng gì lũ “cái bang”, nhân dân cũng chịu một phen khốn đốn, vì vậy mới có câu “thiên hạ xót xa vì tiền”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thống nhất đất nước là nguyện vọng tha thiết của nhân dân, là quy luật khách quan của lịch sử dân tộc.” Xuyên suốt những năm dài lịch sử, dân tộc ta bị đô hộ, bị đàn áp bóc lột, bị chia cắt, bị chìm trong chiến tranh, song lại đứng dậy, lại đoàn kết, lại giành độc lập, thống nhất. Điều đó đã trở thành quy luật bất di bất diệt”. Đó chính là giai đoạn 1941 – 1945 trong lịch sử với đỉnh cao là Cách Mạng Tháng Tám và sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Những sự kiện này lại một lần nữa bị nhìn thấu bởi Trạng Trình từ 5 thế kỉ trước.
Sấm ký Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu:
“Đầu thu gà gáy xôn xao
Trăng xưa sáng tỏ soi vào Thăng Long”
Ở câu trước, “đầu thu” là khoảng tháng Bảy, tháng Tám âm lịch, tức tháng Tám, tháng Chín dương lịch. “Gà” ở đây chỉ năm Ất Dậu, hay còn là năm 1945. “Gáy xôn xao” là hình ảnh ẩn dụ một tiếng vang lớn, thức tỉnh muôn người. Trong câu sau, “trăng xưa” trong tiếng Hán là “cổ nguyệt”, ghép lại thành chữ “Hồ” trong “Hồ Chí Minh”. “Thăng Long” chính là đất kinh kì, nơi Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đây chính là sự kiện lịch sử ngày 02/09/1945 Bác Hồ về đất Thăng Long, tại Quảng trường Ba Đình đọc “Bản tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Với thắng lợi của Cách mạng tháng 8 năm 1945 đồng thời là sự kiện Bác Hồ đọc Bản tuyên ngôn độc lập, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp trong gần 1 thế kỷ tại Việt Nam, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế hơn 1000 năm, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: độc lập, tự do gắn liền với Chủ Nghĩa Xã Hội. Dường như tất cả đều đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn thấu trước đó hàng thế kỉ.
Tư liệu được tham khảo từ:
- wikipedia, mục sấm và giai thoại.
- Truyện danh nhân Trạng Trình sấm và ký nxb Văn hoá thông tin.
- Một số chữ hán được tra cứu trên Từ điển Hán nôm.




- Hỗ trợ Dân tộc King -

Đăng nhận xét

0 Nhận xét