Trong bảo tàng Mỹ thuật TPHCM vài năm trước, tôi hay nhìn thấy một bức tượng bằng đồng, tạc người thanh niên mặc áo dài khăn đóng, mốc xanh mốc vàng Đó là bức tượng Trương Vĩnh Ký, được lôi từ vị trí nổi bật ở công viên Thống Nhất (đường Lê Duẩn hiện giờ) đặt ở sân sau bảo tàng.
Bức tượng do những trí thức Sài Gòn đóng góp sau lời kêu gọi trên các tờ báo lớn thời đó như Lục Tỉnh Tân Văn, Nam Kỳ Địa Phận, Nông Cổ Mín Đàm tổ chức.
Gần đây nhất, thiên hạ đồn rằng quyển sách “Petrus Ký – nỗi oan thế kỷ” của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu bị cấm lưu hành trên đường sách Sài Gòn, được cho là theo yêu cầu của một cái lệnh miệng.
“Giấy mời tham dự buổi ra mắt đã được gửi đi. Nhưng bất ngờ ngày 4/1/2017, một “lệnh miệng” được ban xuống yêu cầu hủy bỏ buổi ra mắt sách. Nhiều thông tin từ nội bộ giới hữu quan cho biết lệnh này xuất phát từ ý kiến của một cựu quan chức lãnh đạo TPHCM đã nghỉ hưu gửi tới ‘’cấp trên’’ có thẩm quyền.” (1)
Tôi tìm đọc quyển sách sớm, ngoài việc vì hâm mộ nhà sử học Nguyễn Đình Đầu (và đa số các quyển mỏng ông viết tôi đọc đều thích), còn vì tò mò với ông Trương Vĩnh Ký.
Quyển sách khiến tôi yêu mến ngay từ khi bắt đầu đọc, bởi tâm thế mà ông Nguyễn Đình Đầu viết. Mọi chú thích được ông tường tận ghi chép, đặt ở vị trí dễ thấy, cho thấy nguồn tài liệu. Cách ông sắp đặt tài liệu khiến người đọc như bước vào chuyến đi dạo cùng Trương Vĩnh Ký, từ hiểu đơn giản về cuộc đời ông, thấy những biến cố quanh ông, xem những thư từ ông viết cho nhà cầm quyền Pháp, đọc bài ông viết trên báo, xem hệ thống tác phẩm ông viết, đọc nhiều phần quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu của ông.
Dần dần, người đọc cũng được xem mấy người đã gặp ông Ký trong đời viết về ông, xem hậu sinh viết về ông, đọc những chuyện trà dư tửu hậu về ông và tác động của ông tới những trí thức Pháp đầu tiên của Việt Nam.
Quyển sách chân thành, mềm mỏng và khoai thai, đôi chỗ xen vài đoạn ông Đầu lưu ý ông tìm được vấn đề này ở kho tư liệu này, tài liệu kia, ông phân tích vai trò của ông Ký. Văn phong đọc dễ chịu, không nhiều cảm tính riêng tư của người chủ biên, nhưng rất rõ người chủ biên Nguyễn Đình Đầu đang đi tìm kiếm chân dung ông Ký với bạn đọc. Đó là về cảm giác đọc. Tôi không phải người đọc sử học, nhưng rất hứng thú và thấy vui khi tiếp tục mở các chương mới.
Sự viết duyên dáng, trong sáng và khúc chiết về tài liệu của ông Đầu đã cùng ta đi lại hành trình mà cậu bé Trương Vĩnh Ký từ họ đạo Cái Mơn, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long xưa đã ra đi nước ngoài, đến Campuchia và rồi học ở Đại chủng viện tại Poulou –Penang để chuẩn bị tất cả sức mạnh, nội lực cho tương lai chưa hề đoán định được sau này.
0 Nhận xét
⛔️ Vui lòng để lại phản hồi nếu file sách bị lỗi, hoặc bình luận tên sách quý anh chị cần tìm. Dân tộc KING sẽ khắc phục file lỗi và cố gắng tìm sách giúp quý anh chị. Chân thành cảm ơn!
🙏🙏🙏