Kê kinh diễn nghĩa được đăng trên tờ Nông-cổ mín-đàm trong 6 kỳ, từ số 30 (20-3-1902) đến số 37 (8-5-1902) (các số 32 & 33 không đăng). Bản đăng tại đây được đối chiếu giữa bản trong sách "Thú đá gà: kê kinh, kê kinh diễn nghĩa, cách nuôi và xem gà đá" của Huỳnh Ngọc Trảng với bản scan từ báo gốc (Bản báo gốc có đính kèm trong file tải về bên dưới). Điều thú vị, người đề tựa cho sách của Huỳnh Ngọc Trảng chính là nhà văn Sơn Nam, một nhà văn hóa và phong tục Nam bộ nổi tiếng. Bài đăng trên báo gốc có nhiều lỗi ngữ pháp và khó hiểu đối với người không phải gốc Nam bộ. Có lẽ chính nhà văn cũng góp phần chỉnh lý câu chữ trong bài.
Căn cứ vào một câu trong lời thiệu “Vả ta nay tuổi dư tám chục” khớp ý với một câu ở phần kết trong bài Kê kinh diễn nghĩa “Tuổi già đã tám mươi lăm” (và những câu sau đó). Chúng tôi cho rằng cụ Nguyễn Phụng Lãm chính là người đứng ở ngôi thứ nhất trong bài.
Bản Kê kinh gốc có thể được viết bằng tiếng Hán hoặc Hán-Nôm nhưng văn phong và từ ngữ cổ, khó hiểu đối với người đương thời nên cụ đã chuyển nghĩa sang thể thơ với ngôn từ thông dụng vào thời đó (1902). Như vậy chính cụ Nguyễn Phụng Lãm là tác giả của bản Kê kinh diễn nghĩa được đăng ở đây.
Bởi đứng ngôi thứ nhất trong bài nên phần mở đầu “Trời xuân nương ngọn đèn hoa, Thừa nhân xem thấy sách gà Phạm Công” là lời của cụ Nguyễn Phụng Lãm (chứ không phải lời của tác giả bản Kê kinh). Điều trùng hợp là số báo đăng bài Kê kinh diễn nghĩa ra vào tháng ba dương lịch, trời vẫn đang trong tiết xuân. Như vậy, tác giả bản Kê kinh là Phạm Công.
Cũng có nguồn cho rằng tác giả bản Kê kinh là Tả quân Lê Văn Duyệt (1763-1832). Đức Tả quân là người ham mê đá gà, điều đó thì sử sách có ghi lại, nhưng không thấy tài liệu nào đề cập đến việc ông là tác giả của Kê kinh. Thuyết này có lẽ bắt nguồn từ sách “Cách chọn gà đá” của tác giả Vũ Hồng Anh rồi sau đó mới được các trang mạng tiếp nhận.
Chúng tôi xin dẫn lời của tác giả ở phần kết của sách này “Đừng nói chi đâu xa, trước đây độ ba bốn mươi năm thôi, khi “luận” về gà nòi thì các ông già bà cả chỉ biết đọc vanh vách từng câu thơ trong sách gà Phạm Công của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, để làm... luận chứng. Vì đây là cuốn Kinh kê duy nhất mà họ được biết, và cứ thế mà cứ học thuộc lòng”.
0 Nhận xét
⛔️ Vui lòng để lại phản hồi nếu file sách bị lỗi, hoặc bình luận tên sách quý anh chị cần tìm. Dân tộc KING sẽ khắc phục file lỗi và cố gắng tìm sách giúp quý anh chị. Chân thành cảm ơn!
🙏🙏🙏