📢 Bài mới

6/recent/ticker-posts

Nhân Quả hiểu sao cho đúng!? | (Theo cách hiểu của Đạo gia)


Nhân Quả hiểu sao cho đúng!?

Hai chữ này chắc ai cũng từng nghe qua, các tôn giáo cũng tranh biện rất nhiều, đặc biệt là Phật giáo sử dụng nó như một khám phá riêng. Nhiều người không thấu triệt cũng đăng đàn thuyết pháp nói rất chi tiết, nào là kiếp này ăn trộm kiếp sau cụt tay, kiếp này giết người kiếp sau đền mạng, hoặc tham lam thì tương lai mất tài sản vv.. Vvv.. Hiểu như thế thật là máy móc, càng luận càng xa tôn chỉ của Như Lai.

Nhân Quả vốn là quy luật trong trời đất, không phải phát minh của tôn giáo nào, Nhân - Quả là một cặp đối đãi cũng như Thiện - Ác, Nóng - Lạnh, Sáng - Tối, Sinh - Diệt...vv...vvv...Mà mọi cặp đối đãi quy nạp về, thì đều là biểu hiện của lưỡng nghi Âm Dương. Âm Dương tức là nhị, nhị là đã phân biệt là nhị nguyên. Tu đạo là từ vạn quy về nhị, từ nhị quy Nhất. Nhất là chỉnh thể của Thái cực. Người đã quy Nhất thì vượt khỏi Nhân Quả đắc đạo Chân Nhân hay Phật, Chúa. Tuy nhiên khi các bậc Chân Nhân tham dự vào chuyện của thế nhân thì họ cũng bị kéo vào vòng Nhân Quả, bởi thế có câu Thánh nhân sợ trồng Nhân, Phàm nhân sợ chịu Quả. Phàm nhân không hiểu lý Nhân Quả nên luôn sinh chuyện, đã gây ra rồi lại sợ có ngày phải lãnh hậu quả, đúng là tự làm tự chịu.

Nói về Nhân Quả không thể ko nói đến Phúc Đức. Có câu "Đức giả, Nhất dã". Người có Đức lớn thì vượt cả Nhân Quả vì đã quy Nhất. Còn phàm nhân thì mỗi ngày đều phải tu nhân tích đức, đức dày tự khắc sẽ có chuyển biến. Tích đức không ngoài nghĩ thiện, hành thiện. Thực ra Nhân quả đơn giản như sau: "Hoạ phúc không lối, do người tự triệu. Báo ứng thiện ác, như ảnh tùy hình". Sư công tôi từng nói: "Con người sinh ra đều có kết cục tốt, chỉ do lỗi lầm quá khứ khiến họ chịu khổ mà thôi!"

Có thể thấy thời cổ xưa, con người đơn giản, sinh ra và chết đi đều an vui, điều này trong Đạo đức kinh đã nói. Nhân Quả không phạm được họ, đấy chính là kết cục tốt. Càng về sau,  luân hồi nhiều lại tập nhiễm thói hư tật xấu, háo tranh háo đoạt không ngơi nghỉ nên càng gây ra nhiều chuyện, thậm chí còn mất cả thân người, đầu thai làm vật khác. Đó cũng là tự người gây ra mà thôi.

Sự báo ứng của Nhân Quả không đơn giản như cách hiểu máy móc trên kia, mà nó là tổng hòa của nhiều yếu tố, thế mới có chuyện có người sống kiếp này tốt mà vẫn nghèo khổ, người tham lam vơ vét lại chưa chịu trừng phạt vv.. Vv.. 

Mỗi người sinh ra đều có sự huân tập Nhân Quả các kiếp, trong quá trình sinh sống lại xuất hiện sự giao thoa giữa các số phận với nhau, giữa Nhân Quả người này với Nhân Quả người kia, nên chuyện báo ứng có nhanh chậm và mức độ khác nhau. Nôm na giống như một cái máy với Nhân là đầu vào bao gồm nhiều loại nguyên liệu, còn Quả là đầu ra tương ứng. Mỗi cái máy lại tương tác với nhau hình thành một hệ thống chung phức tạp.

Nói thì dài, tựu chung lại chỉ là tu nhân tích đức, bởi đức là Nhất có thể quyết định Nhân Quả. Cho dù kiếp này sống tốt mà vẫn khổ thì cũng đừng nản, đó là do các kiếp làm sai quá nhiều mà tích đức thì chưa đủ nên vẫn bị báo ứng. Hoặc kiếp này tham lam hại người mà giàu sang thì cũng đừng nghĩ sẽ còn mãi vì phúc đức phá dần cũng hết, con cháu lại chịu khổ lây. Sống ngày nào trên đời phải biết tích từng phần Phúc đức thì mới có báo ứng tốt, chưa nói đến tu luyện càng cần phúc đức hơn nữa. Đó mới là ý nghĩa của Nhân Quả.


Tác giả: Càn Vị Quán (Đạo gia)





- Hỗ trợ Dân tộc King -

Đăng nhận xét

0 Nhận xét