📢 Bài mới

6/recent/ticker-posts

[PDF] Nỗi lòng Đồ Chiểu - Phan Văn Hùm | TẢI SÁCH PDF MIỄN PHÍ


Minh-mạng nguyên-niên, nhằm năm canh-thìn, chiếu tây-lịch 1820, Tả-quân Lê văn Duyệt nhậm Gia-Định Tổng-trấn lần thứ hai. Lần này, nơi văn-hàn-ty của Tổng-trấn có viên Thơ-lại thanh-niên, ở kinh-đô mới bổ vào, tên là Nguyễn-đình Huy.

Sinh ở xã Thương-an, Trung-kỳ, ngày hai-mươi-chín tháng chạp năm nhâm-tý (9-2-1793), bấy giờ Nguyễn-đình-Huy hai-mươi-bảy tuổi. Người đã có vợ, có hai đứa con rồi. Hoặc vì đường xa con thơ, hoặc vì Nam-kỳ đất mới, hoặc nữa vì sự hiếu-dưỡng người để vợ con ở lại quê nhà, mà thui-thủi một mình nơi quán khách.

Hai-mươi-bảy tuổi ! « Chừng xuân tơ liễu còn xanh, nghĩ sao cho thoát khỏi vành ái-ân ? » Huống-chi quê người bóng chiếc, lại nghiệp phong-lưu, sóng gió lòng xuân đã đành xao-xuyến dễ.

Nguyễn-đình Huy thú thiếp ở Sài-gòn.

Lứa đôi này sẽ hiến cho việt-văn-giới một tay kỳ-sĩ : ngày bính-thân, mười-ba tháng năm, năm nhâm-ngũ (1-7-1822) Nguyễn-đình-Chiểu ra đời.

Nguyễn-đình Chiểu sinh tại đâu, trong thế-phổ của họ Nguyễn-đình không thấy chép. Duy chép rằng Trương Thị Thiệt (mẹ của Đình Chiểu) sinh năm canh-thân (1800) là người ở thôn Tân-thới, tỉnh Gia-định.

Thôn Tân-thới đích-xác ở nơi nào, thì hiện nay chưa khảo ra được. Duy biết Sài-gòn xưa gồm những bốn-mươi thôn, kể từ rạch Thị-nghè vô tới Chợ-lớn. Trong những thôn ấy nhiều thôn lấy tên có chữ « Tân » đứng đầu. Như thôn Tân-khai, là chỗ thành-lũy xưa, ở trong vòng đường Pasteur (Pellerin cũ), đường Nguyễn Du (Taberd cũ), đất thánh tây… chạy xuống tới sông Sài-gòn ; như thôn Tân-an ở Đất-hộ, nay còn đình Tân-an ; như thôn Tân-lộc ở sau trường J. Jacques Rousseau (Chasseloup Laubat cũ) ; như thôn Tân-vĩnh ; bên Khánh-hội ngày nay ; như thôn Tân-thạnh, khỏi Cầu-kho ; như thôn Tân-kiển, ở chợ Hòa-bình ; như thôn Tân-châu ở nhà thương Chợ-quán.

Xem như thế, thì thôn Tân-thới chắc là một thôn ở tại Sài-gòn. Vả lại khi bà Trương thị Thiệt mất thì chôn tại phường Tân-triêm, theo như thế-phổ của họ Nguyễn-đình chép lại. Mà phường Tân-triêm xưa, là ở vùng Cầu-kho bây giờ 1. Thế thì không chừng thôn Tân-thới cũng ở gần đâu lối đó, nếu không phải là ở tại đó.

Nay có thể tạm nhận Nguyễn-đình Chiểu là người thôn Tân-thới 2 như mẹ của tiên-sinh. Còn thôn Tân-thới thì ở trong vòng Sài-gòn, thuộc huyện Bình-dương, phủ Tân-bình, tỉnh Gia-định.

Nguyễn-đình Chiểu sinh ra, không phải là ở nhà quan to, vì chức Thơ-lại mà cha tiên-sinh dưới triều Minh-mạng chỉ đến chánh-bát phẩm là cùng. Dầu vậy mặc dầu, tiên-sinh cũng là sinh ra trong nhà có tước-vị ở triều-đình, tất cũng là một cậu ấm như ai, thì có thể sung-sướng suốt đời, nếu không có những tai-biến dồn-dập tới.

Đời cậu ấm của Nguyễn-đình Chiểu sung-sướng vừa được mười năm, thì quốc biến xảy ra làm thành gia biến. Năm 1832, Lê văn Duyệt mất (25-8 nhằm 30 tháng bảy năm nhâm-thìn), qua 1833 Lê Văn Khôi dấy loạn giết Bố-chánh Bạch xuân Nguyên và Tổng-đốc Nguyễn văn Quế, rồi chiếm lấy thành Sài-gòn. Quan quân nhà Nguyễn ở Gia-định không đầu « ngụy » đều mất địa-vị cả. Nguyễn-đình Huy phải trở lại thường dân.

Nếu phải tin theo lời một người con của Nguyễn-đình Chiểu là ông Nguyễn-đình Chiêm thì Nguyễn-đình Huy ở kinh-đô sung chức Đốc-bạ, bỏ đi Gia-định thăng đến Án-sát-sứ lúc Lê văn Khôi khởi loạn. Trốn được về triều người bị tước chức, bấy giờ mới giả dạng cải trang trở vô Sài-gòn, thăm vợ con, rồi rước Nguyễn-đình Chiểu ra Huế, gởi-gắm cho một người bạn làm Thái-phó ở Triều, để theo điếu-đãi hầu-hạ mà học-tập văn-chương.

Nếu ta giở lịch-sử triều Nguyễn ra xem, thì thấy Án-sát-sứ ở Gia-định lúc Lê văn Khôi dấy loạn là Nguyễn chương Đạt, chớ không phải là Nguyễn-đình Huy, người xã Hưng-đình, huyện Bồ-điền, phủ Thừa-thiên, như ông Nguyễn-đình Chiêm vì nghe lầm hoặc vì nhớ lầm đã nói cho ông Lê thọ Xuân chép trong tạp-chí Đồng-Nai số tháng 1 và 2 năm 1933. Vả lại, trong quyển Nguyễn-chi thế-phổ, chính tay Nguyễn-đình Huy soạn ra, hồi tháng hai năm quí-sửu (tháng 4-1853), và hiện nay còn để tại nhà ông Nguyễn-đình Chiêm ở làng Mỹ-chánh, quận Ba-tri, thì nơi bài tựa thấy ký là : « Nguyên Tả-quân văn-hàn-ty Thơ-lại Dương Minh Phủ ». Dương Minh Phủ tức là tự của Nguyễn-đình Huy.

Năm 1853, ấy là hai-mươi năm sau việc Lê văn Khôi dấy loạn. Nếu đã có làm đến Án-sát-sứ, thì Nguyễn-đình Huy không có lẽ gì không ký là « Nguyên Án-sát-sứ » mà lại chỉ để chức Thơ-lại mà thôi.

Dầu đã làm đến chức chi đi nữa, thời điều chắc, là sau khi thành Sài-gòn đã về tay Lê văn Khôi rồi, Nguyễn-đình Huy cũng phải mất địa-vị, lẩn-lúc trong đám thường dân.

Ta không rõ hồi đó, có tội với Triều-đình, thì người ở mãi lại Sài-gòn với bà vợ thứ, hay là có về quê nhà. Nhưng trong Nguyễn-chi thế-phổ thấy chép rằng bà chánh-thất chỉ có hai người con, một người trai là Nguyễn-đình Lân và một người gái là Nguyễn thị Phu. Còn bà vợ thứ thì sinh những bốn người con trai và ba người con gái, mà con trưởng là Nguyễn-đình Chiểu, rồi tới Thị Thục, Thị Nữ, Thị Thành, Đình Tựu, Đình Tự và Đình Huân.

Người con trai út này sinh ngày 11-4-1841, nghĩa là tám năm sau khi Lê văn Khôi dấy loạn. Còn như việc dề tựa cho quyển Nguyễn-chi thế-phổ năm 1853, như trên kia đã nói, thì là việc Nguyễn-đình Huy có thể làm bất kỳ là ở đâu. Ta không thể căn-cứ vào đó mà quả quyết rằng cho đến năm 1853 người còn ở tại Sài-gòn. Nhưng mà nếu hỏi người ở đâu cho đến ngày qua đời, thời ta không sao trả lời được, vì trong thế-phổ của họ Nguyễn-đình không thấy chép người mất về năm nào và chôn ở nơi nào.

Ta không thể nào theo dấu Nguyễn-đình Huy, nay hãy theo dấu con người là Nguyễn-đình Chiểu. Nhưng mà ở đây cũng chỉ có lời khẩu-truyền của ông Nguyễn-đình Chiêm, là người con của Nguyễn-đình Chiểu, còn sống lại sau hơn hết (ông qua đời ngày 2-8-1935).






- Hỗ trợ Dân tộc King -

Đăng nhận xét

0 Nhận xét