📢 Bài mới

6/recent/ticker-posts

TÌM HIỂU CÁC CÕI TRỜI - ATULA - NGẠ QUỶ - ĐỊA NGỤC | (Theo quan điểm của Phật giáo)


Nội dung trong bài viết được chia làm 4 phần chính. Phần đầu tiên tìm hiểu về các cõi Trời, phần thứ hai tìm hiểu về cõi A tu la, phần thứ ba tìm hiểu về cõi Ngạ Quỷ, phần thứ tư tìm hiểu về cõi Địa Ngục. Thông tin trong trong bài viết này được tham khảo từ Kinh Chính Pháp Niệm Xứ, Luận Đại Tì Bà Sa, Đại Trí Độ Luận, Kinh Quán Phật Tam Muội, Kinh Ưu Bà Tắc. Sách Giải về cõi Trời của Hòa thượng Giới Nghiêm. Các bài giảng về Lục cõi luân hồi của Pháp sư Tịnh Không, Ấn Quang Đại Sư, Hòa thượng Tuyên Hóa, và một số nguồn thông tin khác. Vì thông tin trong các nguồn tài liệu trên chưa thật sự nhất quán, đồng thời trong quá trình biên tập nội dung không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong quý anh chị lượng thứ và góp ý để người biên tập trau dồi và hoàn thiện hơn. Kính mời quý anh chị cùng tham khảo chung.


PHẦN 1: TÌM HIỂU VỀ CÁC CÕI TRỜI

Các cõi trời trong Phật giáo, là khái niệm Căn bản trong thế giới quan của đạo Phật, bao gồm 28 cõi trời. Trong đó dục giới có 6 cõi, sắc giới 18 cõi, và vô sắc giới bốn cõi. Cõi người có 6 trú căn; mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Cõi trời dục giới cũng có 6 trú căn Như Cõi người, nhưng vi tế và xinh đẹp hơn. Chư Thiên ở cõi dục giới, hưởng thụ ngũ dục cũng tương tự như cõi người, nhưng thù thắng vi tế hơn. Đến cõi sắc giới, các vị Phạm Thiên chỉ có ba trú căn; là mắt, tai, và ý, không có trú căn; mũi, lưỡi, và da. Các vị Phạm Thiên từ bỏ ngũ dục, họ chỉ thọ hưởng hạnh phúc của hỉ lạc xả và nhất tâm. Ai đắc định sơ thiền từ cạn vào sâu, hoặc đắc từ định sơ thiền đến định tứ thiền, thì sẽ hóa sanh vào những cảnh trời sắc giới tương đương. Đến Cõi vô sắc giới, thì Chư Thiên ở các cảnh trời này, chỉ thọ hưởng kết quả do tu các pháp thiền định vô sắc, không còn nghiệp quả có hình sắc, nên gọi chung là Cõi vô sắc.

A. SÁU CÕI TRỜI DỤC GIỚI

1. Cõi trời Tứ Thiên Vương 

Đây là cõi thấp nhất trong các cõi chư thiên. Tuổi thọ 9 triệu tuổi người. Dưới nó còn có các chư thần thấp hơn, như sơn thần, thổ địa, thánh mẫu, vân vân. Thường 1 ngày của họ bằng 1 tháng, 1 năm hoặc hơn, tùy theo tầng cao hay thấp. Núi Tu Di hình thế khoảng giữa eo lại, trên dưới rộng ra. Từ mặt nước lên đến giữa núi Tu Di có bốn tầng cấp. Tầng cấp thứ nhất bao vòng quanh núi, là chỗ ở của thần Kiên Thủ. Tầng cấp thứ hai bao vòng quanh núi, là chỗ ở của thần Trì Hoa Man. Tầng cấp thứ ba bao vòng quanh núi, là chỗ ở của thần Thường Phóng Dật. Ba xứ sở nầy là nơi ở của các vị thần, dưới quyền thống lãnh của Tứ Thiên Vương. Tầng cấp thứ tư bao vòng quanh núi, là trụ xứ của bốn vị thiên vương, gọi là Tứ Thiên Vương. Tứ Thiên Vương thống lãnh chư thần, ủng hộ bốn đại bộ châu. Phương đông, giữa chừng núi Tu Di, là chỗ ở của Trì Quốc thiên vương và chư thiên tùy thuộc, họ bảo hộ Đông Thắng Thần Châu. Phương nam giữa chừng núi Tu Di, là chỗ ở của Tăng Trưởng thiên vương và chư thiên tùy thuộc, họ bảo hộ Nam Thiệm Bộ Châu. Phương tây giữa chừng núi Tu Di, là chỗ ở của Quảng Mục thiên vương và chư thiên tùy thuộc, họ bảo hộ Tây Ngưu Hóa Châu. Phương bắc giữa chừng núi Tu Di, là chỗ ở của Đa Văn thiên vương và chư thiên tùy thuộc, họ bảo hộ Bắc Câu Lư Châu. Mỗi vị Tứ Thiên Vương đều có tám viên đại tướng, chín mươi mốt người con. Theo Trí Luận, thì các thần núi, sông, đất, rừng, cây, thành quách, cung điện, vân vân, tất cả Quỷ thần đều thuộc về quyền thống nhiếp của Tứ Ðại Thiên Vương. 

2. Cõi trời Đao Lợi - (Tam thập tam thiên)

Ðế Thích cư ngụ ở đây. Sở dĩ gọi như vậy vì theo tích truyện có 33 vị dưới sự hướng dẫn của Ðế Thích đã làm những việc thiện và được tục sinh tại đây. Tuổi thọ 36 triệu tuổi người. Trên đảnh núi Tu Di là xứ sở của trời Đao Lợi (Tam thập tam thiên). Nơi đây địa thế rộng rãi tốt đẹp. Ở bốn góc trên đảnh núi Tu Di có bốn tòa núi nhỏ, bề cao và rộng đều 500 do tuần, có thần Dược Xoa tên là Kim Cương Thủ trụ nơi đây để tuần thị và hộ vệ chư thiên. Chính giữa đảnh Tu Di có khu thành rộng lớn tên là Diệu Kiến. Chỗ nầy là thành đô của trời Đế Thích, lâu các nguy nga tráng lệ, nghiêm sức bằng các thứ tạp bảo. Xung quanh thành Diệu Kiến có 32 thiên xứ, mỗi nơi do một vị thiên chủ quản trị. Ba mươi hai thiên xứ nầy với trung đô của Đế thích, hợp lại 33 thiên xứ, nên gọi là Tam thập tam thiên. Nếu tính từ mặt đất lên đến cảnh trời Đao lợi thì khoảng cách là 84000 do tuần. “Ðao Lợi” là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là “tam thập tam”, tức là chỉ cõi trời Ba Mươi Ba. Tứ đại thiên vương được xem như 4 vị thiên tướng hộ trì bốn châu thiên hạ, nằm dưới quyền lực của Đế Thích tiên chủ. Vậy cả hai cõi trời này chỉ có một vị vua, ấy là trời Đế Thích mà nhân gian thường tôn danh là Ngọc Hoàng thượng đế đó vậy.



3. Cõi trời Dạ-Ma-Vương

Sở dĩ gọi là Dạ Ma vì ai làm được nhiều việc lành, thì đi đến cõi trời có nhiều thiên lạc này, Vua cõi trời này tên là Su ya ma. Ðây là nơi mà ánh mặt trời và mặt trăng đều không rọi tới được. Thế thì nơi ấy có lẽ rất tối tăm, Cũng không hẳn. Bởi thiên nhân ở cõi Dạ Ma Thiên này, trên thân đều có hào quang chiếu sáng, cho nên cũng không cần tới ánh sáng của mặt trời và mặt trăng. Vì sao cõi trời này có tên là “Dạ Ma”. “Dạ Ma” là Phạn ngữ, còn gọi là Su ya ma. Trung Hoa dịch là “thiện thời phân”, nghĩa là khéo chia thời giờ. Vì sao gọi là “thiện thời phân”. Bởi vì cõi trời này nằm ở vị trí quá cao, ánh sáng của mặt trời và mặt trăng đều không thể nào rọi tới được, cho nên thiên nhân ở đây bèn lấy lúc bông sen nở hiệp, để phân biệt ngày và đêm, hoa nở là ban ngày hoa hiệp là ban đêm. 

4. Cõi trời Đâu Suất

Theo từ điển Phật học Hán Việt của nhà nghiên cứu Đoàn Trung Còn, từ Đâu Suất, Đâu Suất Đà có nghĩa là Tri Túc, Hỷ Túc, Diệu Túc, Thượng Túc. Trước kia, khi Đức Thích Ca Mâu Ni chưa thành Phật, thì làm Bồ tát Hộ Minh ngự nơi Cung trời Đâu Suất. Chừng ngài từ giã cung Đâu Suất mà xuống trần làm Phật, thì ngài phó chúc lại cho đức Di Lặc, dặn đức Di Lặc kế tiếp ngài nơi cung ấy, mà giáo hóa chư Thiên và chư Bồ Tát. Những vị Bồ Tát trước khi giáng thế làm Phật, đều trụ nơi cung Đâu suất. Các vị ấy gọi là Bổ xứ Bồ Tát hay là Nhứt sanh Bổ xứ Bồ Tát. Đều là bậc tự tại, thần thông, thường du hóa đi tế độ chúng sinh, và du hành đến các cõi Tịnh độ của chư Phật. Đại Bát Niết Bàn Kinh, quyển 32, có nói. Trong cõi Dục giới, cảnh Đâu Suất đà Thiên là tốt hơn hết. Dưới cảnh ấy, chư Thiên có lòng phóng dật, trên cảnh ấy, chư Thiên có căn ám độn. Cho nên cảnh ấy là tốt hơn hết. Ai tu Chí, tu Giới, sẽ sanh ở cảnh trên, hoặc cảnh dưới. Ai tu Thí, Giới, Định, sẽ sanh ở cảnh Đâu suất Thiên. Cõi trời này chia thành hai viện, Nội viện và Ngoại viện. Ngoại-viện do thiên vương San Đâu Suất Đà làm chủ, là nơi thiên chúng phàm phu cư trú, phần nhiều chỉ hưởng khoái lạc, ít tu tập. Nội-viện là nơi cư trú tu tập của các vị Bồ-tát, do đức Bồ Tát Di Lặc làm chủ, thuyết pháp hóa độ. 

5. Cõi trời Hóa lạc thiên

Là tầng trời thứ 5 trong 6 tầng trời cõi Dục, tức là tầng trời ở dưới cõi trời Tha hóa tự tại, và ở trên cõi trời Đâu suất. Vua cõi này là Nim mi ta. Chư thiên ở cõi này do nhiều phước quả nên tự ý “hóa ra những lạc thú”, tùy nghi mà họ dụng như ý nguyện. Có nghĩa là, trong những món dục lạc như ăn uống, trang phục, vui chơi, họ ưa cái gì là tự biến hóa ra cái ấy một cách dễ dàng cho nên gọi là Hóa Lạc Thiên. Ở cõi trời này, thiên Nam thiên nữ nhìn nhau hoặc cười với nhau liền thụ thai. Đứa con sinh ra từ đầu gối của người nam hoặc người nữ, trẻ sơ sinh đã to bằng đứa bé 12 tuổi ở cõi người. 

6. Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại

Là tầng trời cao nhất trong 6 tầng trời cõi Dục. Thiên chúng ở tầng trời phía dưới là Hóa lạc thiên, tự mình biến hóa ra năm trần cảnh để hưởng thụ, rồi thiên chúng ở tầng trời này lại lấy các trần cảnh của Hóa Lạc Thiên để hưởng thụ một cách tự tại, như Luận Đại Trí Độ nói. Cõi này chiếm lấy sự biến hóa của người khác để làm vui cho mình, cho nên gọi là Tha hóa tự tại. Vua cõi này có tên là Đại ma vương. Tuy nhiên, có nơi nói rằng, cõi trời này có hai vị vua, một là Đại ma vương, Chúa chư Thiên cõi này. Còn Ma ra Ma vương có cung điện riêng, lạm danh xưng, tôn là vua. Chính đại ma vương này còn được gọi là Thiên-Ma-Ba-Tuần, người hay quậy phá Đức Thích Ca, chư tăng ni, sau thỉnh Đức Phật Nhập Diệt. Như Tịnh Không Pháp Sư có giảng. Thiên Ma Ba Tuần là chư thiên có Phước báo lớn, không phải là người thường, ông ta có thần lực lớn, Phật và Bồ Tát tôn trọng ông ta đó, chẳng qua là có chút tự tư tự lợi, không buông bỏ được mà thôi. Thật sự tu hành chân chánh, ông ta cũng khâm phục. Giả tu hành, ông ta luôn luôn trêu đùa quý vị, không phải tu thật, ông ta tìm đến làm phiền quý vị, đến làm khó quý vị. 

Trên đây là 6 Cõi Trời Dục Giới, chư Thiên ở đây họ hưởng ngũ dục như con người, cả sắc thân và ngũ trần đều là vật chất nhưng chúng vi tế, tinh sạch hơn cõi người rất nhiều. Có thể xem đây là cõi Dục vật chất thịnh mãn, thọ hưởng dục lạc ngũ trần, mà thế gian không thể so sánh được. 



B. MƯỜI TÁM CÕI TRỜI SẮC GIỚI

Thứ nhất: Ba cõi Trời Sơ Thiền

Trời Phạm Chúng, trời Phạm Phụ, trời Ðại Phạm. Ðây là ba tầng trời thuộc cõi Sơ Thiền, cũng gọi là Sơ Thiền Tam Thiên. Ngoài ra, còn có cõi Nhị Thiền và Tam Thiền, và ở mỗi cõi cũng đều có ba tầng trời. 1!. Trời Phạm Chúng. Phạm có nghĩa là thanh tịnh. Dục niệm của thiên nhân ở cõi Sơ Thiền Thiên, thì càng nhẹ hơn nữa so với ở Lục Dục Thiên, cho nên gọi là phạm. Tất cả thiên nhân, cư ngụ ở tầng trời này đều thanh tịnh, và đều là dân chúng của toàn cõi Phạm Thiên. 2!. Trời Phạm Phụ. Chư thiên ở nơi này, là những vị Tể Quan thanh tịnh, làm quan trên cõi trời. Phụ tức là phụ tá, và ở đây là phụ tá, cho Ðại Phạm Thiên Vương. 3!. Trời Ðại Phạm. Ðây là nơi trú ngụ của Ðại Phạm Thiên Vương. Ngài vốn là người rất siêng năng dụng công tu Ðạo, song chỉ tu thiên phước, để được hưởng phước lạc của cõi trời, chứ chưa đạt đến mức khai ngộ và chứng quả vị. Do đó, ngài được sanh lên cõi trời, và làm vua trời Ðại Phạm. Vị Ðại Phạm Thiên Vương này, được sự hỗ trợ của chư thiên, ở tầng trời Phạm Chúng và Phạm Phụ. Sơ Thiền Tam Thiên còn được gọi là Ly Sanh Hỷ Lạc Ðịa, tức là cảnh giới xa lìa sự sanh khởi phiền não, vô cùng vui sướng. Phàm phu chúng ta khi dụng công đạt tới cảnh giới Sơ Thiền, thì cũng có thể đến được Sơ Thiền Thiên để gặp Ðại Phạm Thiên Vương, các Tể Quan phụ tá của ngài, và dân chúng cư ngụ ở đó. 

Thứ hai: Ba cõi Trời thuộc Nhị Thiền

Trời Thiểu Quang, trời Vô Lượng Quang, trời Quang Âm. Ðây là ba tầng trời thuộc cõi Nhị Thiền, cũng gọi là Nhị Thiền Tam Thiên. Muốn được sanh lên cõi trời Nhị Thiền này, cần phải khử dục đoạn ái, dứt sạch tâm dâm dục. Nếu vẫn còn lòng ham mê sắc dục, thì không thể nào sanh về cõi trời này được. 1!. Cõi Trời Thiểu Quang. Thân thể của chư thiên ở tầng trời này, đều tỏa ánh hào quang, và hào quang này lớn hơn nhiều, so với hào quang của thiên nhân ở trời Dạ Ma. Tuy nhiên, trong ba tầng trời, thuộc Nhị Thiền Tam Thiên, thì hào quang của thiên nhân ở trời Thiểu Quang, có phần kém thua hai tầng trời kia. Vì sao các thiên nhân này có hào quang. Ðó là do lúc còn tu hành ở thế gian, họ chuyên chú tuân thủ Giới Luật, trì Giới rất thanh tịnh. Chư thiên ở trời Phạm Chúng và Phạm Phụ, cũng tuân thủ Giới Luật vậy, có điều là không được nghiêm ngặt, bằng chư thiên ở trời Thiểu Quang, cho nên thanh tịnh thì có thanh tịnh, song không phát hào quang. Thiên nhân trời Thiểu Quang thì giữ Giới, chẳng những tinh nghiêm, mà còn sanh xuất hào quang nữa, do đó mà được sanh lên tầng trời này. 2!. Cõi Trời Vô Lượng Quang. Cõi trời vừa rồi là Thiểu Quang, ít hào quang, còn cõi trời Vô Lượng Quang, thì có vô lượng vô biên hào quang, không tính ra số lượng được. 3!. Cõi Trời Quang Âm. Cõi trời nằm ở phía trên cõi Vô Lượng Quang, là trời Quang Âm. Chư thiên ở trời Quang Âm, nói chuyện với nhau bằng hào quang. Chư thiên ở đây, dùng ánh sáng tiêu biểu cho lời nói. Thiên nhân ở trời Quang Âm không giao tiếp bằng tiếng nói, mà dùng hào quang để nói chuyện. 

Thứ ba: Ba cõi Trời thuộc Tam Thiền Thiên

Trời Thiểu Tịnh, trời Vô Lượng Tịnh, trời Biến Tịnh. Ðây là ba cõi trời thuộc Tam Thiền. Sơ Thiền còn gọi là, Ly Sanh Hỷ Lạc Ðịa, Nhị Thiền còn gọi là, Ðịnh Sanh Hỷ Lạc Ðịa, và Tam Thiền còn gọi là, Ly Hỷ Diệu Lạc Ðịa. Tại Sơ Thiền Thiên, trời Phạm Chúng, trời Phạm Phụ, và trời Ðại Phạm, chư thiên đều thanh tịnh, song chưa có hào quang. Thật ra thì không hẳn là hoàn toàn không có, họ cũng có hào quang đấy, nhưng hết sức yếu ớt, mờ nhạt. Các thiên nhân thuộc Nhị Thiền Thiên, thì có hào quang sáng rỡ, và cũng thanh tịnh hơn. Khi quý vị tọa Thiền, đến được cảnh giới Tam Thiền, thì mọi ý niệm đều không còn, tất cả vọng niệm đều đình chỉ. Tại Sơ Thiền, thì ý niệm vẫn còn tồn tại, quý vị vẫn còn sự suy nghĩ. Ở cảnh giới Nhị Thiền, thì dòng ý niệm này vẫn chưa đoạn dứt, song đến Tam Thiền thì mọi niệm đều dứt tuyệt, không còn tình trạng, hết niệm này sanh, đến niệm kia khởi nữa. Trong một sát na, có chín mươi cái sanh tử, trong mỗi cái sanh tử, lại có chín trăm niệm, cho nên chỉ trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi, mà chúng ta đã khởi không biết bao nhiêu là niệm. Nhưng khi quý vị đạt đến cảnh giới Tam Thiền, thì mọi niệm đều đình chỉ. Lúc này, một niệm cũng không khởi, không còn niệm trước, cũng chẳng có niệm sau, tất cả đều vắng lặng, ở cảnh giới Tam Thiền, thì ý niệm không tồn tại, cho nên gọi là tịnh. Do đó, các tầng trời thuộc Tam Thiền Thiên, có tên là Thiểu Tịnh, Vô Lượng Tịnh, và Biến Tịnh. Tam Thiền Thiên cũng gọi là, Ly Hỷ Diệu Lạc Ðịa, cảnh giới xa rời sự vui sướng. Loài người chúng ta, hễ sanh tâm vui vẻ thì cho là điều tốt, song ngay cả điều tốt này, chúng ta cũng phải lìa bỏ, không nên chấp trước bám víu vào sự vui sướng. Ðược như thế thì sẽ nảy sanh tác dụng vi diệu.



Thứ tư: Chín cảnh trời thuộc Tứ Thiền Thiên

1. Trời Phước Sanh

Chư thiên ở tầng trời này đều là, khổ nhân dĩ tận, lạc phi thường trụ, họ không còn sự đau khổ, và cũng không còn chấp trước vào dục lạc nữa, cho nên gọi là Phước Sanh. Thế nào gọi là, khổ nhân dĩ tận, lạc phi thường trụ. Chư thiên ở Sơ Thiền Thiên vẫn còn một thứ khổ não, mà ngay cả tại Nhị Thiền Thiên và Tam Thiền Thiên, sự khổ não này cũng vẫn còn tồn tại, chưa hoàn toàn dứt tuyệt. Phải đến Tứ Thiền Thiên, ở tầng trời Phước Sanh này, thì mới đích thực là, khổ nhân dĩ tận, cái mầm mống gây khổ não đó không còn nữa, mọi chủng tử của khổ não đều bị hủy diệt. Phải chăng hết khổ rồi thì sẽ được vui. Bấy giờ, họ cũng chẳng chấp trước vào cái vui, cho nên nói là, lạc phi thường trụ.

2. Trời Phước Ái

Ðây là tầng trời thứ hai, thuộc Tứ Thiền Thiên. Phước ái tức là yêu mến cái phước. Phước Ái Thiên, tức là cõi trời yêu chuộng phước đức. Chư thiên ở cõi trời này thì, Xả tâm viên dung, Thắng giải thanh tịnh, Ðắc diệu tùy thuận, Khổ lạc song ly. Xả tâm viên dung nghĩa là. Lòng thí xả của chư thiên ở cõi trời này, đã đạt đến cảnh giới viên dung vô ngại, những gì không thể thí xả đều được thí xả, những gì có thể thí xả cũng đều thí xả, những gì không thể buông bỏ, đều được buông bỏ, những gì có thể buông bỏ, thì càng phải buông bỏ. Ðó gọi là xả tâm viên dung vậy. Thắng giải thanh tịnh nghĩa là, chư thiên ở cõi trời này, đạt được thứ giải thoát thù thắng rất thanh tịnh. Phước báo của họ to lớn vô ngần, có thể nói là phước ấy vượt khỏi trời đất, không có gì có thể che lấp được. Ðắc diệu tùy thuận có nghĩa là, chư thiên ở cõi trời này, đạt tới cảnh giới, tùy tâm như ý, muốn thế nào thì được thế ấy. Ðây là một sự tùy thuận vô cùng kỳ diệu, muốn gì được nấy, luôn luôn được toại tâm toại ý. Khổ lạc song ly nghĩa là, chư thiên ở cõi trời này, không có khổ đau cũng chẳng còn vui sướng, họ đã lìa bỏ được cảm giác khổ và sướng. Tuy nhiên, chư thiên ở đây cũng còn một thứ ước muốn khác, một thứ hy vọng khác. Hy vọng của họ chính là hai tầng trời, ở ngay phía trên trời Phước Ái. Ðó là trời Quảng Quả và trời Vô Tưởng. Trời Quảng Quả, là một trong những tầng trời thuộc Tứ Thiền Thiên, còn trời Vô Tưởng, là nơi trú ngụ của ngoại đạo. Từ trời Phước Ái, chư thiên có thể đến trời Quảng Quả, lại cũng có thể đến trời Vô Tưởng, mà đến trời Vô Tưởng, tức là tiến vào cảnh giới của ngoại đạo. Cho nên, ở đây cũng giống như gặp phải ngã rẽ vậy, rất dễ đi sai đường. Do đó, tuy là sanh lên cõi trời, song cũng dễ bị đi lạc, vào cảnh trời của ngoại đạo.

3. Trời Quảng Quả

Trời Quảng Quả là quả vị của phàm phu. Sáu cõi trời Dục giới, đều được xem là cảnh giới phàm phu, quả vị mà hạng phàm phu có thể đạt được, thì không vượt quá trời Quảng Quả, không hơn được cảnh giới của trời Quảng Quả. Trời Quảng Quả cách biệt hẳn mọi nhiễm ô, phiền lụy của các tầng trời bên dưới. Tại trời Quảng Quả, chư thiên sống trong niềm an lạc vô cùng vô tận, và thần thông của họ cũng diệu dụng vô cùng. Cho nên, được sanh lên trời Quảng Quả không phải là chuyện dễ. Ở trời Quảng Quả, sự diệu tùy thuận còn thâm áo hơn, ở trời Phước Ái một bậc, không chỉ tùy thuận, mà còn là quảng diệu tùy thuận, một sự tùy thuận rộng lớn, vi diệu. Tùy thuận tức là tùy tâm thuận ý, chư thiên ở nơi này, chứng đắc được quả vị mà họ đang tu tập, thuận theo điều họ mong mỏi. Ðó là Quảng Quả Thiên.

4. Trời Vô Tưởng

Chư thiên ở trời Vô Tưởng đã đoạn dứt tư tưởng, song đó chưa phải là sự đoạn dứt vĩnh viễn, họ chỉ mới đoạn được, trong năm trăm kiếp mà thôi. Thọ mạng của họ là năm trăm kiếp, như vậy suốt trong một đời của họ, tư tưởng không nảy sanh, họ không nghĩ ngợi, không có tư tưởng. Thế nhưng, trong năm trăm kiếp ấy, có bốn trăm chín mươi chín kiếp là không có tưởng, và có một kiếp có tưởng. Trong một kiếp này, suốt nửa kiếp đầu thì tư tưởng diệt, không hề dấy khởi. Đến nửa kiếp sau cuối, thì tư tưởng lại sanh khởi. Cho nên, vô tưởng ở đây có nghĩa là trọn đời, rất hiếm khi sanh khởi tư tưởng. Toàn cõi trời này, là nơi trú ngụ của ngoại đạo. Tại đây, hàng ngoại đạo tự cho là cảnh trời rốt ráo, và đinh ninh rằng, lúc này họ có thể đạt được Niết Bàn. Chính vì thế mà họ ở lại đây để tu hành, song tu hành thì tu hành, mà vẫn bị đọa lạc như thường.



Năm cảnh trời còn lại của tứ thiền thiên, được gọi chung là Ngũ Tịnh Cư Thiên.

5. Trời Vô Phiền

Phiền tức là phiền não. Thiên nhân ở tầng trời này, không còn kiến tư phiền não nữa, họ đã đoạn dứt được kiến tư phiền não. Kiến là cái thấy, đối diện cảnh giới liền sanh lòng tham ái, đó gọi là kiến phiền não, phiền não của cái thấy. Tư là nghĩ ngợi, đối với đạo lý, vì không hiểu rõ, mà sanh tâm phân biệt, ấy gọi là tư phiền não hay tư hoặc, phiền não của ý tưởng. Chư thiên ở tầng trời Vô Phiền này, không còn hai mối phiền não, kiến hoặc và tư hoặc nữa, nên cũng không phải chịu đựng, mối phiền não phiền nhiệt, mà cũng chẳng có khổ, chẳng có sướng, sướng khổ đều tiêu vong. Tại cảnh giới khổ lạc song vong này, họ không có tâm đấu tranh. Bởi không có tâm đấu tranh, nên cũng chẳng có phiền não, hết phiền não thì được thanh lương. 

6. Trời Vô Nhiệt

Nhiệt tức là nhiệt não. Tầng trời này rất mát mẻ, thanh thản, không còn cái nhiệt của phiền não.

7. Trời Thiện Kiến

Theo Hòa thượng Tuyên Hóa, thì chư thiên ở tầng trời này, có tầm nhìn vô cùng rộng lớn, họ có thể nhìn thấy được rất xa. Còn theo Hòa thượng Giới Nghiêm, thì chư thiên cõi này, do định lực thù thắng nên có được trí kiến rất tốt, rất đúng đắn.

8. Trời Thiện Hiện

Theo Hòa thượng Tuyên Hóa, ở tầng trời này có một sự biến hóa rất vi diệu, chư thiên ở đây có thể biến hóa ra mọi cảnh giới an lạc. Theo Hòa thượng Giới Nghiêm, chư thiên cõi này có sắc thân tuyệt hảo, tuyệt mỹ.

9. Trời Sắc Cứu Cánh

Trời Sắc Cứu Cánh là tầng trời cuối cùng và cao nhất, trong số các tầng trời thuộc Sắc Giới Thiên. Nghĩa đen là chư thiên cõi này, không có sắc thân nhỏ, chỉ có sắc thân rất lớn, rất phi thường, bởi đức tính tròn đủ đều nhau cả thảy. Hiểu cách khác, đây là cõi toàn mãn, rốt ráo, tột cùng của sắc giới, nên tuyệt hảo về mọi phương diện: thanh tịnh, sắc thân, cũng như hào quang.

5 cõi Trời thuộc Ngũ Tịnh Cư Thiên, là nơi cư ngụ của chư vị Thánh Bất Lai, đắc tứ thiền thuần thục, các ngài đều hóa sanh lên đây, bổ túc cho đồng đều 5 năng lực, Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ. Khi vừa hóa sanh, 5 năng lực, Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ, của các vị Thánh Bất Lai, do có sự không đồng đều, nên phân bố cảnh giới khác nhau. Theo Hòa thượng Tuyên Hóa, bên trên cõi trời Sắc Cứu Cánh trong tứ thiền thiên, vẫn còn cõi trời Ma hê thủ la, cõi Trời này, chỉ có duy nhất Ðại Tự Tại Thiên Vương ngự trị và cai quản, uy quyền cao nhất, là chủ tể cai quản thế giới Ta bà này, thống nhiếp cả thảy, vạn ức chư thiên cõi trời Tha Hóa, vạn ức chư thiên cõi trời Hóa Lạc, vạn ức chư thiên cõi trời Đâu suất, vạn ức chư thiên cõi trời Dạ ma, vạn ức chư thiên cõi trời Đao lợi, vạn ức chư thiên cõi trời Tứ thiên vương, vạn ức các vị Nhật thiên tử, vạn ức các vị Nguyệt thiên tử, nhưng chư thiên trong cõi Dục, đều không được nghe biết đến danh hiệu, không được nhìn thấy hình tướng.

Tứ Thiền còn gọi là, Xả Niệm Thanh Tịnh Ðịa. Ở cảnh giới Sơ Thiền, thì sự hô hấp gián đoạn, tới Nhị Thiền thì mạch tim ngưng đập, đến Tam Thiền thì ý niệm dứt tuyệt, còn ở Tứ Thiền thì xả niệm, vất bỏ hết mọi niệm, không còn gì nữa.



C. BỐN CÕI TRỜI VÔ SẮC GIỚI

Đây là những cõi Trời cao nhất trong tam cõi, theo quan niệm của Phật giáo, nơi đây không có sắc uẩn, không có vật chất, hình thể, cho nên cũng không phân chia tướng nam nữ, không có dục vọng, chỉ có thọ, tưởng, hành, thuần, nghiệp thức trú trong các cảnh giới thiền định thâm diệu. Ở 18 cõi sắc giới, lấy sắc pháp làm đề mục tu tập định thiền. Còn ở cõi vô sắc giới,  đề mục không còn là sắc pháp nữa, mà là vô sắc pháp. Các chư thiên ở đây, đã bắt đầu thấy chán các sắc, thấy sắc còn thô thiển, phiền não, theo đó các trạng thái tâm dẫu nhẹ nhàng, thanh lương, nhưng chưa đến chỗ trong suốt, thanh khiết. Do vậy, họ lấy khái niệm, ý tưởng, không có sắc chất và hình thể làm đối tượng, nói cách khác, họ từ bỏ các sắc, chỉ còn danh, danh khái niệm, rồi họ chú tâm nhất như vào các tưởng ấy. Để hiểu rõ hơn các đề mục vô sắc, ta hãy trở lại quang tướng của sắc giới. Trong quang tướng của sắc giới, người tập thiền đã loại bỏ, sắc tướng sơ tướng bên ngoài, mà chú tâm vào hình ảnh thô tướng bên trong. Quang tướng bên trong có được, là do huân tập tưởng, un đúc tưởng mà thành. Đây không còn là hình ảnh, của bát đất cụ thể nữa, mà là hình ảnh khái niệm do tưởng tạo ra. Bước thêm một bước nữa, người tập thiền chú mục vào quang tướng ấy, rồi sử dụng tưởng tượng mà tưởng tượng quang tướng, nới rộng nó ra, cho nó tràn lan, rồi đầy tràn cả hư không. Đến đây, khi thấy quang tướng đầy ắp cả hư không rồi, người tập thiền khởi lên ý niệm rằng. Hư không là vô biên vô tận (vô sắc pháp), rồi trú định tâm vào hư không vô biên vô tận ấy. 

1. Không vô biên xứ

Chư thiên ở cõi này, trú trong cảnh giới hư không vô biên vô tận, nên gọi là Không vô biên xứ thiên. Trú trong định thiền, Không vô biên xứ một thời gian, người tu thiền tự quán xét rồi thấy rằng. Khi mình nghĩ Hư không là vô biên, rồi an trú trong Hư không vô biên ấy, thì rõ Hư không là vô biên ấy, là do ý tưởng tạo nên. Vậy là đã rõ, Hư không vô biên ấy, chẳng vô biên tý nào, mà chính ý tưởng, thức, mới vô biên. Vì nghĩ vậy, người tu thiền bèn lìa đối tượng, trở lại với chủ thể nhìn ngắm, rồi an trú trong ý tưởng Thức vô biên của chính mình.

2. Thức vô biên xứ

Sở dĩ gọi là Thức vô biên xứ thiền, vì cõi thức ấy là vô biên vô tận, không có ngần mé, chẳng có nơi cùng tột. Trú trong định này một thời gian, người tu thiền tự quán xét rằng. Hóa ra là mình còn dính mắc. Trước thì dính vào đối tượng, sau lại dính vào chủ thể. Muốn tiến thêm một bậc nữa, thì mình phải lìa cả hai, cả đối tượng và chủ thể. Vậy là đến đây, người tu thiền yên trí, trú vào cái cõi, vô sở hữu xứ.

3. Vô sở hữu xứ

Tương tự như trên, ở đây là không có sự vật gì cả, không có gì cả nên gọi là, Vô sở hữu xứ thiên. Cho dù một chút bận bịu, dính mắc cuối cùng ở nơi tâm cũng không có, (lìa chủ thể). Nghĩa là cõi trời này, cố nắm giữ vững chắc, cái không có cái gì làm cảnh giới. Trú trong định này một thời gian, tự quán xét, người tu thiền thấy rõ rằng. Định này dẫu vi tế, tưởng là lìa tất cả, hóa ra, lại tự dính vào ý niệm Không có gì cả của chính mình. Vậy muốn tiến cao hơn, muốn không còn dính mắc gì nữa, thì mình phải lìa luôn cả ý niệm không có gì cả ấy. 

4. Phi tưởng phi phi tưởng xứ

Gọi là Phi tưởng phi phi tưởng, là vì ở đây không có tưởng, mà cũng chẳng phải không có tưởng. Do sau khi người tu thiền, muốn lìa ý niệm không có gì cả, để bước lên một cảnh giới cao hơn, hy vọng sẽ không còn dính mắc nữa. Tuy nhiên, lấy cái gì mà lìa. Phải chăng, phải lấy ý niệm mà lìa ý niệm không có gì cả, Vậy là lìa được, nhưng lại còn dính mắc một ý tưởng rất vi tế, rất mong manh, rất nhỏ nhiệm, nếu nói nó có tưởng, thì không đúng, nếu nói nó chẳng phải không có tưởng, cũng không đúng. Đây là tầng thiền cuối cùng, cao nhất của Vô sắc giới, tột cùng trong tam giới.

Chư thiên ở các cõi trời vô sắc giới, chỉ thọ hưởng kết quả, do tu các pháp thiền định vô sắc, không còn nghiệp quả có hình sắc, nên gọi chung là cõi Vô Sắc. Trong các cõi vô sắc, có cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, là cao nhất trong Ba cõi, chư thiên ở đó, có tuổi thọ đến 84000 đại kiếp, nhưng hết thảy đều chưa thấu rõ, được chân tâm sáng suốt mầu nhiệm, nên một khi phước trời đã hết, vẫn phải trở lại lưu chuyển trong luân hồi. Vì thế, khi Đức Thích Ca đạt đến cảnh giới thiền, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, Ngài vẫn từ bỏ, để tiếp tục đi đến cảnh giới Diệt thọ tưởng định, trước khi vào Niết bàn tối hậu.



PHẦN 2: TÌM HIỂU VỀ CÕI A TU LA

Trong cuộc sống, những người có chút phước báo, mà không khắc phục được nóng giận và tự cao, rất dễ tái sanh vào cõi A tu la. Tuy A tu la không phải là tam đồ ác đạo, thọ khổ triền miên, như những chúng sanh trong địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh, nhưng vẫn chịu nhiều phiền não tranh chấp, ít có điều kiện thắng duyên tu hành. Ngoại trừ loài A tu la noãn sanh, biết hộ trì Chánh pháp, ủng hộ người tu, còn các A tu la khác chỉ lo mải miết đánh nhau, gây chiến tạo binh đao, khói lửa triền miên, nên rất thống khổ. 

A Tu La là gì?

Trong Kinh luận có chỗ cho rằng, loài A tu la do gây nhân hạ phẩm Thập thiện, mà được sanh về cõi giới này. Nhưng đó chỉ là nói riêng về một phương diện mà thôi, cho đến danh từ Phi thiên cũng như thế. Sự thật, phần chánh nhân là loài nầy, do hay nóng giận, hiếu thắng, ưa tranh cãi, mà được sanh về cõi giới này. Về Loài này, Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng. Tu la tánh bạo, Hữu phước vô quyền, Háo dũng đấu lang, Phù trầm nghiệp khiên. Nghĩa là. A tu la tánh hung bạo, Có phước nhưng không quyền, Rất thích tranh đấu nhau, Chìm nổi theo nghiệp dắt!. A tu la, cũng gọi A tố lạc, dịch là Vô đoan chánh, Phi thiên. A tu la là loài thần có phước báo hơn loài người, nhưng kém phước báo hơn chư Thiên. Tên gọi Phi thiên, có nghĩa là không phải trời, chỉ có một số phước báo gần bằng chư Thiên, nhưng không hoàn thiện như họ. Vô đoan chính là ngoại hình hung tợn, tâm địa bất chính, có nhiều tật xấu. Nam A tu la tướng mạo vô cùng xấu xí, ưa thích đấu tranh với kẻ khác. Nữ A tu la tướng mạo hết sức xinh đẹp, yêu thích đấu tranh bằng tình cảm, tức là dùng tánh đố kỵ, ghen tuông, chướng ngại, vô minh, phiền não, để tranh đấu. 



Tuy chúng sinh này làm thành một Pháp giới, song bất luận ở đâu trong lục đạo, hễ có chúng sinh nào thích đấu tranh, nóng nảy dữ tợn vô cùng, chỉ thích chỉ huy kẻ khác, chớ không chịu bị kẻ khác chỉ huy, chỉ thích cai quản kẻ khác, mà không thích bị ai cai quản, thì đó đều là biểu hiện của A tu la. A tu la chia thành bốn bậc. Loài ở cõi trời thì giống trời. Loại ở cõi người thì giống người. Loài ở cõi quỷ thì giống quỷ. Loài ở cõi súc sanh thì giống súc sanh. Vì họ không có chủng loại và trụ xứ nhất định, có thể nhiếp về các nẻo khác, nên trong kinh có chỗ chỉ gọi là, ngũ đạo hoặc ngũ thú!. A tu la ở trong loài người thì phân ra loại ác và loại thiện. Thiện A tu la, chính là quân đội, binh tướng trong quốc gia. A tu la ác, tức là thứ giặc cướp, trộm cắp, kẻ thích đánh, thích diết người khác!. A tu la ở trên cõi trời, thì ưa thích đánh nhau với thiên binh, thiên tướng. Suốt ngày chúng chỉ nghĩ cách, đánh trời đế Thích để cướp bảo tòa, đoạt ngôi để lên làm đế Thích. Song tuy đánh nhau hoài, nhưng bọn chúng luôn thua trận!. Trong hàng súc sinh cũng có A tu la. Chúng thích chèn ép kẻ đồng loại, hay những súc sinh khác, như sài lang, cọp, sư tử, là những thứ thích ăn thịt súc sinh khác, vì chúng có tánh tình của A tu la. Rắn hay chim ưng, cũng là một thứ A tu la!. A tu la trong loài quỷ, thì thích ăn hiếp loại quỷ khác. Quỷ cũng có loại thiện, loại ác. Xưa nay, quỷ không bao giờ biết phải trái, nhưng bọn ác quỷ, càng không biết đến phải trái hơn cả.

Xứ sở của A Tu La ở đâu?

Theo kinh Chánh Pháp Niệm. A tu la cư trú tại năm chỗ. Một là, tại mặt đất, trong núi Chúng Tướng. Sức lực của loài này yếu ớt nhất. Hai là, tại phía Bắc núi Tu di, đi xuống biển hai vạn một ngàn do tuần, có A tu la tên là La Hầu, thống lãnh đám A tu la. Ba là, lại đi sâu xuống biển thêm hai vạn một ngàn do tuần, có A tu la tên là Tráng Kiện. Bốn là, lại đi sâu xuống biển thêm hai vạn một ngàn do tuần, có A tu la tên là Tràng Hoa. Năm là, lại đi sâu xuống biển thêm hai vạn một ngàn do tuần, có A tu la tên là Tỳ Ma Chất Đa. 



PHẦN 3: TÌM HIỂU VỀ CÕI NGẠ QUỶ

Cõi Ngạ Quỷ là một cõi giới vô cùng rộng lớn, đứng hàng thứ 5 trong sáu nẻo luân hồi, bao gồm. Trời, người, A tu la, Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục. Ngạ Quỷ là cõi giới của những chúng sanh xấu xí, thường ở chỗ âm u, đói khát và ăn những đồ bất tịnh. Kinh sách nói rằng, lũ quỷ ngày núp đêm đi, nhút nhát, nhiều lo sợ. Giả sử đêm ngày gặp người, thường phải ẩn núp né tránh. Con người chết đi, đa phần đọa vào Địa ngục và cõi Ngạ quỷ này, cực hiếm người được tái sanh về cõi trời người. Khi người dương thế mua phẩm vật, cúng tế cho người thân đã mất, như làm giỗ chạp. Nếu họ tái sanh trong cõi Ngạ quỷ này, thì mới về thọ hưởng được đồ cúng, còn nếu họ ở các cõi giới khác, thì không thể thụ hưởng được.

Ngạ Quỷ là gì?

Thân chúng sanh ở cõi Ngạ quỷ, có tốt xấu, lớn nhỏ khác nhau. Đại khái, hạng quỷ lớn nhất, thân hình cao một do tuần. Hạng bậc trung, thì thân hình không nhất định. Hạng nhỏ hơn hết, thì thân hình như đứa trẻ mới vừa biết nói. Hạng Quỷ vương có uy phước, thân hình cao lớn xinh đẹp như chư thiên. Các Quỷ thần ở non núi, sông ngòi, biển cả, phần nhiều thân thể đều trang nghiêm, đoan chánh. Hạng quỷ không uy phước, thân hình thô xấu, không thể kể xiết. Có loại bụng lép như chó đói, đầu rối nùi, chân như khúc củi khô, mũi thường chảy ra nước mũi, miệng chảy nước dãi, lỗ tai sanh mủ, nơi mắt chảy ra máu. Có loại cao lênh khênh, bụng lớn như cái trống, cổ họng nhỏ như mũi kim, miệng thường phựt ra lửa, thân mình hôi hám, lông cứng nhọn như gai. Các Ngạ quỷ khác, thân thể còn ghê gớm xấu xa hơn nữa. Tuy thế nhưng chớ vội coi thường, chúng sanh trong cõi Ngạ quỷ. Bởi hạng quỷ vương hoặc quỷ thần có uy phước, cũng có rất nhiều quyền năng, mà các chư thiên ít phước ở cõi Trời, cũng chưa chắc có thể so sánh được.

Giảng giải về Cõi Ngạ Quỷ

Về cảnh giới của loài Ngạ quỷ, Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng. Quỷ loại hỷ sân, Muội quả mê nhân, Vô minh điên đảo, Nhật tích nguyệt thâm. Nghĩa là. Loài quỷ thích sân, Mê muội nhân quả, Vô minh điên đảo, Ngày tháng chồng chất!. Quỷ loại hỉ sân!. Phàm là quỷ, chúng rất thích nổi nóng, sân hận. Ðối xử tốt với chúng, chúng cũng sân hận. đối đãi không tốt với chúng, chúng càng sinh giận dữ. Chỉ có việc tạo rắc rối cho kẻ khác, mới là điều mà loài quỷ ưa thích nhất. Do đó có câu. Thắp hương là mời quỷ tới. Mặc dù chúng ta thắp hương là vì kính trọng chúng, song chúng thường tới để gây rắc rối cho chúng ta. Vì vậy Khổng Tử nói. Kính quỷ thần, nhi viễn chi. Nghĩa là ta phải cung kính quỷ thần, song không nên gần gũi với họ, nên xa cách một chút!. Muội quả mê nhân!. Loài quỷ không hiểu biết gì về quả báo, mà nguyên nhân chúng cũng không rõ. Do đó, chúng không biết tốt xấu. Xưa nay, hễ trồng nhân lành thì gặt quả lành, trồng nhân ác thì gặt quả ác. Trồng dưa, gặt dưa. Trồng đậu, được đậu. Song loài quỷ không hiểu được đạo lý nhân quả này. Do đó, chúng trồng cà, mà mong được ớt, trồng ớt mà mong gặt được dưa leo, hoàn toàn mê muội lầm lẫn, nên nói là muội quả mê nhân!. Vô minh điên đảo. nhật tích nguyệt thâm!. Mỗi ngày tích tập càng nhiều vô minh trong sự điên đảo, chống đối nhân quả. Càng tạo nghiệp thì tội càng nặng, tội càng nặng thì lại càng tạo nghiệp. Do đó, mới bị đọa lạc vào con đường ngạ quỷ.

Tuổi thọ của Ngạ quỷ 

Chúng sanh nơi cõi Ngạ quỷ, có tuổi thọ muôn ức năm, thường xuyên đói khát. Loại Ngạ quỷ nghiệp nặng, khi dùng nước hoặc thức ăn, thì những thứ nầy đều hóa thành máu, lửa, hoặc cát, sạn. Theo pháp sư Tịnh Không. Thời gian ở trong đường ngạ quỷ một ngày, là bằng ở nhân gian một tháng, một năm ở nhân gian, bằng 12 ngày ở ngạ quỷ. Nên khi tế bái quỷ thần, là cúng mồng 1 và 15, đó chính là cúng dường cơm sáng và cơm tối cho họ, vì một ngày của họ là bằng chúng ta một tháng!. Kinh Quán Phật Tam Muội thì nói. Có ngạ quỷ sống thọ nhất, được tám vạn bốn ngàn tuổi, yểu thì không có hạn định. Theo luận Thành Thật, thọ nhất được bảy vạn tuổi, yểu cũng không có hạn định. Kinh Ưu bà tắc nói. Thọ nhất được một vạn năm ngàn tuổi. Như một ngàn năm trăm năm của nhân gian, bằng một ngày đêm của ngạ quỷ. Ngạ quỷ ấy thọ một vạn năm ngàn tuổi, nếu tính theo ngày tháng của nhân gian, sẽ phải là hai ngàn bảy trăm vạn tuổi!. Theo kinh Chánh Pháp Niệm thì lại nói. Có loài quỷ sống thọ năm trăm tuổi. Như mười năm của nhân gian, bằng một ngày đêm của ngạ quỷ. Ngày đêm dài như thế, Quỷ ấy thọ năm trăm tuổi, nếu tính theo số ngày tháng của nhân gian, sẽ phải đến tám mươi vạn tuổi. Như thế có thể thấy, thời gian giữa cõi ngạ quỷ so với cõi người, được ghi chép từ kinh sách, và từ giảng giải của các vị hòa thượng, là có sai biệt và không thống nhất với nhau. 

Xứ sở của Ngạ quỷ

Xứ sở của ngạ quỷ có hai nơi, đó là chánh trụ và biên trụ. Trong kinh Chánh Pháp Niệm nói. Chánh trụ có thành Diêm La, nơi ở chính thức của vô số ma quỷ, do Diêm La Vương thống lãnh. Thành nầy ở dưới châu Diêm Phù Đề, chu vi rộng 7 triệu 5 trăm nghìn dặm. Nơi đây không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Chánh trụ là xứ sở riêng, của loài ngạ quỷ nghiệp nặng. Biên trụ là những chỗ như mé biển, triền núi, rừng bụi, đình miếu, hang hố, đồng trống, mồ mả, cho đến vườn nhà, cùng các nơi bất tịnh. Biên trụ là xứ sở, của các Quỷ thần nghiệp nhẹ, hoặc có phước nghiệp, đang sinh sống lẫn lộn cùng loài người chúng ta.



PHẦN 4: TÌM HIỂU VỀ CÕI ĐỊA NGỤC

Trong quan niệm của Phật giáo, Cõi Trời và Địa ngục, là 2 trong 6 cảnh giới ở cõi Dục, mà con người sau khi chết sẽ thác sinh vào. Cõi Trời là nơi cư ngụ, của những chúng sinh trong tiền kiếp, đã tích lũy được nhiều phước báo, do hành thiện, tích đức, tu tập, giữ giới, không sát sinh, vân vân, nên sau khi chết, được sinh lên cõi Trời để thụ hưởng sự hạnh phúc, an lạc, theo quy luật của nhân quả. Ngược lại, cõi địa ngục là nơi đến của các linh hồn, do lúc còn sống đã gieo nhiều nghiệp báo, làm những việc xấu ác, lừa người, hại dân hại nước, dâm dục, làm những việc trái đạo đức, trái luân thường đạo lý, vân vân, nên sau khi chết, sẽ bị đọa xuống địa ngục, để chịu sự trừng phạt, hứng nhận nỗi thống khổ, theo quy luật của nhân quả. Như thế có thể thấy, cõi Trời là nơi tốt đẹp nhất, và cõi địa ngục là nơi tồi tệ nhất, trong 6 cõi dục giới, bao gồm. Trời, Atula, người, súc sinh, ngạ quỷ, và địa ngục. 

Có rất nhiều tầng địa ngục khác nhau, có thể kể đến như. Bát đại địa ngục, Bát nhiệt địa ngục, Bát hàn địa ngục, Cận biên địa ngục, Thập lục du tăng, Cô lập địa ngục, Thập bát địa ngục, vân vân, còn có vô số các tầng địa ngục khác nữa, không có chuyện địa ngục chỉ có 18 tầng, như dân gian đồn đãi. Nếu để thống kê hết các địa ngục, thì chẳng biết hết bao nhiêu thời giờ. Vì vậy, trong nội dung video này, chỉ giới thiệu sơ lược đến quý đạo hữu, 8 địa ngục cơ bản và phổ biển nhất, đó là Tám địa ngục nóng, còn gọi là Bát đại địa ngục, Bát đại nại lạc ca. Các địa ngục trong đó, tội nhân phải chịu cái khổ của sức nóng nung nấu. Luận Đại tì bà sa, quyển 172 chép, ở phía dưới châu Nam thiệm bộ, chỗ cách hơn năm trăm do tuần, có một khu địa ngục. Khu này, có mười sáu địa ngục lớn, chia làm tám địa ngục lạnh, tám địa ngục nóng. Mỗi địa ngục lớn, đều có mười sáu địa ngục nhỏ bao quanh, ăn thông với bốn cửa. Những chúng sinh chịu tội, khi vào các địa ngục nhỏ, thì nỗi khổ lại thêm dần lên, bởi thế cũng gọi là Du tăng ngục. 

1. Tưởng Địa Ngục (Cũng gọi là Đẳng hoạt địa ngục)

Tội nhân trong địa ngục này mang lòng ác hại, hễ gặp nhau là cấu xé nhau bằng móng sắt, cho đến khi thân thể rách nát thì chết, gặp cơn gió mát thổi qua, phút chốc sống lại, rồi tiếp tục chịu khổ, nên gọi là Đẳng hoạt địa ngục, một trong tám địa ngục nóng. Cứ theo kinh Chính pháp niệm xứ quyển 5, người gây nghiệp sát sinh, sau khi chết, phải đọa vào địa ngục Đẳng hoạt. Trong địa ngục này, có 16 chỗ chịu khổ khác nhau. Chỗ phân lỏng, chỗ vòng dao sắc, chỗ nung nấu, chỗ nhiều khổ, chỗ tối tăm, chỗ không vui, chỗ cực khổ, chỗ nhiều bệnh, chỗ cặp tội nhân bằng hai thanh sắt, chỗ đánh tội nhân bằng gậy sắt, chỗ chó sói, chuột đen cắn xé tội nhân, chỗ xoay chuyển lúc nào cũng thấy khác lạ, chỗ khổ bức bách, chỗ hành hình tội nhân, khiến toàn thân đỏ như hoa sen hồng, chỗ ao hồ, chỗ chịu khổ giữa hư không.

2. Hắc Thằng Địa Ngục (Cũng gọi là ngục dây đen)

Cứ theo, Câu xá luận tụng sớ, quyển 8, trong địa ngục này, dây sắt được dùng để đánh dấu trên thân thể của tội nhân, rồi theo đó mà cưa xẻ, vì thế gọi là địa ngục Hắc thằng, (địa ngục dây đen). Lại theo kinh Trường a hàm, quyển 19, thì đây là ngục thứ 2 trong 8 địa ngục Nóng (Đại nhiệt), nằm ở dưới địa ngục Đẳng hoạt và trên địa ngục Chúng hợp. Bao quanh ngục này có 16 ngục nhỏ, mỗi ngục rộng 500 do tuần. Ngục tốt bắt tội nhân nằm trên sắt nóng, dùng dây sắt nóng, vạch ngang dọc trên thân thể, rồi cứ theo vết dây hoặc dùng búa chặt, hoặc lấy cưa xẻ, hoặc dùng dao mổ, máu thịt vung vãi, thân thể bị cắt trăm đoạn. Hai bên ngục còn có núi sắt lớn, trên mỗi núi có dựng cột sắt, ở đầu cột giăng dây sắt, ngục tốt lùa tội nhân lên trên dây sắt, rồi đuổi cho rơi vào vạc dầu sôi, khổ đau chẳng kể xiết. Đây là nơi chịu tội của những người gây nghiệp diết hại, trộm cướp, vân vân. 

3. Đôi Áp Địa Ngục (Cũng gọi là Chúng hợp địa ngục)

Địa ngục thứ ba trong Bát nhiệt địa ngục. Trong địa ngục này có núi đá lớn, sau khi tội nhân đi vào, núi tự khép lại, đè ép thân tội nhân, xương thịt nhừ nát, vì thế gọi là Đôi áp địa ngục, (địa ngục đè ép). Những kẻ phạm tội sát sinh, trộm cướp, gian dâm, phải ở ngục này.

4. Khiếu Hoán Địa Ngục (Hay còn gọi là Địa ngục thét gào)

Một trong tám địa ngục nóng. Tội nhân trong ngục này, khổ đau không chịu nổi mà cất tiếng kêu gào, vì thế gọi là khiếu hoán địa ngục. Cứ theo, kinh Chính pháp niệm xứ, quyển 18 nói, thì địa ngục này có 18 chỗ chịu khổ là. Chỗ kêu gào, chỗ chịu khổ vô lượng, chỗ chịu các thứ khổ não không nhẫn được, chỗ bị ép theo ý ngục tốt, chỗ hoàn toàn tối tăm, chỗ khói mịt mù dày dặc, chỗ sâu bọ bay và rơi xuống, chỗ chết đi sống lại, chỗ mỗi lúc đổi khác, chỗ tuyệt vọng, chỗ bức não, chỗ chim mỏ bằng Kim cương mổ, chỗ đội vòng tóc lửa, chỗ mũi nhọn đâm, chỗ chịu khổ vô biên, chỗ ăn máu tủy và chỗ lửa cháy ngùn ngụt, vân vân. Cũng kinh đã dẫn quyển 8 còn chép. Phàm những kẻ thích giết hại, trộm cướp, gian dâm, nói dối, uống rượu, sau khi chết, sẽ rơi vào địa ngục này. 

5. Đại Khiếu Hoán Địa Ngục

Trong địa ngục này, khi ngục tốt đã nấu tội nhân, chết trong vạc dầu sôi, gió nghiệp liền thổi, làm cho sống lại, rồi lại bị ném vào chảo sắt nóng để rang, chiên. Đau đớn đến cùng cực, cất tiếng kêu lên thật to, nên mới gọi là Đại khiếu hoán địa ngục. Những kẻ phạm tội diết hại, trộm cướp, tà dâm, và nói dối, phải ở trong địa ngục này. 

6. Thiêu Chích Địa Ngục (Cũng gọi là Viêm nhiệt địa ngục)

Địa ngục này được bao bọc bằng thành sắt, lửa cháy bốc lên ngùn ngụt, trong ngoài đốt nướng, da thịt nát nhừ, đau đớn vô cùng, cho nên gọi là Viêm nhiệt địa ngục. 

7. Đại Thiêu Chích Địa Ngục (Cũng gọi là Đại cực nhiệt địa ngục)

Nghĩa là ngục tốt đem tội nhân để trong thành sắt, lửa nóng đốt thành, trong ngoài đều đỏ, đốt nướng tội nhân. Lại có hầm lửa, như lò than hồng, trên hai bờ hầm còn có núi lửa, ngục tốt cầm cái xoa sắt, xâu lấy tội nhân, ném vào trong lửa, da thịt nhừ nát, đau đớn cùng cực, vì thế gọi là Đại thiêu chích địa ngục. 



8. Vô Gián Địa Ngục (Cũng gọi là A Tỳ địa ngục)

Nghĩa là chúng sinh có tội, chịu khổ trong địa ngục này, không bao giờ gián đoạn, không bao giờ thôi nghỉ, cho nên gọi là vô gián, là địa ngục siêu cực khổ đau. Những kẻ tạo năm tội nghịch, (tội trái với luân thường đạo lí), và phỉ báng chân lý, phải rơi vào ngục này. Luận thành thực nêu rõ, năm loại vô gián như sau. 1!. Thú quả vô gián. Nghĩa là những kẻ phạm tội cực nặng, chịu quả báo ở địa ngục này, không bao giờ hết!. 2!. Thụ khổ vô gián. Nghĩa là chịu đựng các khổ nhục ở đây, không bao giờ hết!. 3!. Thời vô gián, nghĩa là thời gian chịu khổ ở địa ngục này, không bao giờ hết!. 4!. Mệnh vô gián, nghĩa là chịu khổ ở địa ngục này một trung kiếp, không gián đoạn!. 5!. Hình vô gián, nghĩa là chúng sinh chịu khổ ở địa ngục này, sinh ra rồi chết, chết rồi sinh lại, không bao giờ cùng. Chúng sanh ở địa ngục này, chịu quả khổ cực hình liên tục, bất tận không ngừng nghỉ, nên gọi là vô gián. 

TÓM LẠI

Tóm lại, về Tây phương, hay lên Trời hoặc xuống địa ngục, đều là sự lựa chọn của mỗi người. Nếu chúng ta cố gắng tôn tạo được nhiều công đức và phước báu, bằng cách tu thân tu tâm, hành thiện, giữ giới, vân vân, và tránh xa những việc tạo ra bất thiện nghiệp, như khẩu nghiệp, hành ác, sát sinh, mưu mô xảo trá, lừa gạt người đời, vân vân. Thì dẫu không về được Tây phương, vẫn có thể vãn sanh lên các cõi Trời, để tiếp tục tu học. Ngược lại, nếu chúng ta phóng giật, tham sân si, hành ác, mưu mô xảo trá, tâm địa độc ác, dối đời hại người, vân vân, thì rất có thể, sẽ bị sa vào các cõi địa ngục, đầy si mê và hắc ám, để rồi phải chịu nỗi thống khổ kéo dài vô tận, đau đớn đến cùng tột. 






- Hỗ trợ Dân tộc King -

Đăng nhận xét

0 Nhận xét