📢 Bài mới

6/recent/ticker-posts

Quẻ 13: Thiên Hỏa Đồng Nhân ( 天 火 同 人)

13.  天 火 同 人 THIÊN HỎA ĐỒNG NHÂN   

 

Đồng Nhân Tự Quái同 人 序 卦
Vật bất khả dĩ chung Bĩ.物 不 可 以 終 否
Cố thụ chi dĩ Đồng Nhân.故 受 之 以 同 人

 

Quẻ Đồng Nhân cũng như quẻ Tỉ, quẻ Thái, bàn về sự đoàn kết, sự thân ái. Nhưng Thái và Tỉ bàn về đoàn kết để dựng nhà, lập nước, đem thái thịnh lại cho một quốc gia, còn Đồng Nhân lại bàn đến tình yêu nhân loại, đến sự đồng tâm, nhất trí, để đem thái hòa, đem tình thân hữu lại cho thiên hạ, đó là Đại Đồng. Muốn thực hiện Đại Đồng, nó đòi hỏi một sự chuẩn bị lâu dài, một trình độ văn minh tiến hóa vượt mức của nhân loại. Dịch kinh cho rằng muốn Đại Đồng cần phải chấp nhận các giá trị tinh thần, các tinh hoa vĩnh cửu của con người, tượng trưng bằng quẻ Kiền và chỉ thực hiện khi mà lòng con người đã trở nên quang minh chính đại. Thời kỳ Đại Đồng là thời kỳ hoàng kim của nhân loại, nhưng rất khó thực hiện. Nó mới ló dạng, khi con người bỡ ngỡ bước chân vào bình minh của cuộc đòi nhân loại, và có lẽ chỉ được thực hiện sau này, khi con người đã quá đắng cay, sầu khổ vì chia ly, chiến tranh, căm thù, trá ngụy. Vì thế quẻ Đồng Nhân xế sau quẻ Bĩ.

Con người chỉ khi nào gặp đại nạn, vì những hành động, những quan niệm, những lý thuyết ngu xuẩn của mình gây ra, nới có thể đoạn tuyệt với đường xưa lối cũ, với tệ đoan, tệ tục, tư dục, tư tình mà thực thi sự tương thân, tương ái. Muốn hiểu quẻ Đồng Nhân cho thấu đáo, ta hãy lần lượt nghiên cứu ít nhiều vấn đề tiên quyết.

1. Đại đồng là gì?

Là một chủ trương Triết học và Chính trị cho rằng con người có thể đại đoàn kết được vơi nhau, sống trong cảnh an bình thái thịnh, bốn bể một nhà.

2. Nhân loại có thể đi đến Đại đồng được không?

Thưa: Có thể. Theo Dịch lý, nếu ta chấp nhận sự biến thiên, thì sự biến thiên ấy phải có đầu, có đuôi, có căn nguyên, mục đích, thì dĩ nhiên lúc chung cuộc sẽ được hưởng thời kỳ hoàng kim. Đó là lẽ biến dịch tuần hoàn chung nhi phục thủy của Trời đất.

Nhiều môn phái Triết học, nhiều Học thuyết đã chủ trương thời Đại đồng hoàng kim mai hậu.

1) Các tiên tri Isaie và Jérémie. (Isaie: 65, 21, 25 - Jérémie: 31, 31-34).

2) Sách Khải Huyền. (Apocalypse 23, 3).

3) Môn phái triết học Alexandrins & Hégel (Le Christianism et les philosophes).

4) Karl Marx.

5) Kant.

6) Radakhrishnan.

7) Chiêm tinh hoa.

8) Max Scheler...

3) Làm thế nào để thực hiện Đại đồng?

Muốn thực hiện Đại Đồng, thời trên phương diện tinh thần, con người phải dẹp bỏ lòng ích kỷ, phải theo công lý, chính đạo, chính nghĩa. Còn theo phương diện chính trị và tổ chức thì: Nhân sinh, nhân vị, nhân quyền phải tuyệt đối được bảo đảm và tôn trọng.

Sau khi đã bàn qua về chủ nghĩa Đại Đồng, ta trở về nghiên cứu quẻ Đồng Nhân.

I. Thoán.

Thoán Từ.

同 人 . 同 人 于 野 . 亨 . 利 涉 大 川 . 利 君 子 貞 .

Đồng Nhân: Đồng Nhân vu dã. Hanh. Lợi thiệp đại xuyên. Lợi quân tử trinh.

Dịch.

Đồng Nhân hòa với mọi người,

Thênh thang lòng dạ, như ngoài đồng không.

Hay thay khoan quảng, hòa đồng,

Một lòng, thì dẫu lội sông, quản gì.

Đồng tâm, sẽ vượt gian nguy,

Theo đường quân tử, quy về chính trung.

Thoán Từ cho rằng: muốn hòa mình với người, cần phải mở lòng mình cho rộng rãi (Đồng Nhân vu dã).

Hòa đồng, hợp nhất với người sẽ đem lại hanh thông, thái thịnh, và lướt thắng được mọi trở lực, làm nên được những đại công, đại nghiệp (Hanh. Lợi thiệp đại xuyên). Quân tử sẽ lấy sự minh chính, chính nghĩa để làm mối giây liên lạc, thắt chặt tình thân ái giữa mọi người (Lợi quân tử trinh).

Thoán Truyện.

同 人 . 柔 得 位 得 中 . 而 應 乎 乾 . 曰 同 人 . 同 人 曰 . 同 人 于 野 .  . 利 涉 大 川 . 乾 行 也 . 文 明 以 健 . 中 正 而 應 . 君 子 正 也 .  唯 君 子 為 能 通 天 下 之 志 .

Thoán viết. Đồng Nhân. Nhu đắc vị đắc trung nhi ứng hồ Kiền. Viết Đồng Nhân. Đồng Nhân viết, Đồng Nhân vu dã hanh. Lợi thiệp đại xuyên. Kiền hành dã. Văn minh dĩ kiện. Trung chính nhi ứng. Quân tử chính dã. Duy quân tử vi năng thông thiên hạ chi chí.

Dịch.

Thoán rằng: Mềm được ngôi trung,

Lại còn tương ứng, tương thông với Kiền,

Hòa đồng, khoan quảng, mới nên,

Đồng không man mác, nối liền gần xa,

Dầu rằng sông lớn cũng qua,

Sức trời hùng dũng, ai mà cản ngăn,

Cương cường, vẫn vẻ, vẫn văn,

Văn minh, tế nhị, êm đềm, mới nghe.

Thấy điều trung chính, ứng về,

Duy người quân tử, muôn bề thẳng ngay.

 

Nhân loại chỉ có thể tiến tới Đồng Nhân khi thực hiện được nhân cách, khi ứng hợp được với lương tâm, với Trời, với Đạo. Đã thân ái với nhau, đã coi nhau như anh em ruột thịt, bốn biển một nhà, lại biết đoàn kết, biết cố gắng, thì hỏi còn có điều gì khó khăn mà con người không thể thực hiện được (Đồng Nhân vu dã. Kiền Hành dã)...

Điều kiện nội tại để xây đắp hòa đồng mai hậu, là có một tâm hồn sáng láng, vô tư, vô tà, quyết lòng cư xử với nhau theo chính đạo, chính nghĩa (Văn minh dĩ kiện.  Quân tử chính dã). Hòa đồng với nhau, dắt dìu nhau trên đường tiến bộ, làm cho mọi người thỏa lòng, thỏa nguyện, đó là một công việc mà chỉ có người quân tử mới thực hiện nổi (Duy quân tử ... thiên hạ chi chí). Thoán truyện làm ta nhớ lại hoài bão của Đức Khổng, ghi chép trong Thiên Lễ Vận: Đại đạo khi được thực thi, thời thiên hạ là của chung. Người hiền tài sẽ được tuyển lựa, cất nhắc lên lãnh đạo, thiên hạ sẽ được dạy dỗ cho biết tín nghĩa, hòa mục, vì thế nên người ta không cứ người nào thân mình mới thân, không cứ là con mình mới coi là con, người già sẽ có nơi an dưỡng, người trẻ sẽ được sử dụng. Trẻ thơ sẽ được dưỡng dục, những người tàn tật, côi cút, góa bụa, cô độc sẽ được nuôi nấng, trông nom... Trai có phận, gái có chồng, người ta không phí phạm, vung vãi của cải, không ngại gắng công, gắng sức, nhưng cũng không lao tác vì mình. Vì thế, người có cơ mưu cũng không dám thi thố, trộm cướp, giặc giã không có, cửa ngõ cũng chẳng cần khóa then. Thế là Đại Đồng (Lễ vận 9). Nhu thế Đại Đồng tức là Đại Đoàn kết, bốn bể một nhà.

II. Đại Tượng Truyện.

天 與 火 . 同 人 . 君 子 以 類 族 辨 物 .

Tượng viết. Thiên dữ hỏa. Đồng Nhân. Quân tử dĩ loại tộc biện vật.

Dịch. Tượng rằng:

Trời cùng với lửa Đồng Nhân,

Đã là quân tử, phải phân hay, hèn.

Người năm, bảy đấng dĩ nhiên,

Của muôn vạn loại, phải xem cho rành.

Tượng Truyện cho rằng trong cái đồng vẫn có cái dị, như trời với lửa, tuy cùng là thanh khí, nhưng vẫn khác biệt nhau, vì thế người quân tử phải biết biện phân những nét đặc thù, dị biệt để mà phân loại người và vật.

Tìm được những lý do, khiến cho người và vật trở nên dị biệt, ta sẽ làm cho ta cảm thông được người, hiểu thấu được vật. Chẳng hạn, nếu ta phân biệt được rằng Đạo có nhiều hình thức, có nhiều thứ bậc:

a) Huyền đồng, hoàn thiện.

b) Nghệ thuật, duyên dáng, thơ mộng.

c) Luân lý, tu trì,

d) Giáo lý, suy luận

 e) Hình thức, lễ nghi.

ta nhận thức ngay được mức độ cao thấp của người hành đạo. Hoặc là ta phân biệt Đạo giáo làm hai loại:

1) Tu thân = Nội giáo (chú trọng đếm sự tu luyện tâm thần)

2) Thờ phụng = Ngoại giáo (chú trọng đến sự van vái, thờ phụng và cầu phúc)

Lại nữa, nếu ta phân chiến tranh làm nhiều loại: Chiến tranh vì:

1) Tôn giáo

2) Chủ nghĩa

3) Chủng tộc

4) quốc gia

5) Giai cấp

6) Xâm lược

7) Phòng ngự

8) Phục thù

ta sẽ thấy không phải chỉ có nguyên do vật chất, kinh tế chi phối sự diễn biến của lịch sử.

Phân biệt con người có: Thần, Hồn, Xác, ta sẽ phân loại được văn hóa có ba chiều hướng chính:

Văn hóa thiên bản (vụ thần)

Văn hóa nhân văn (vụ nhân)

Văn hóa vật bản (vụ vật chất)

và nhờ đó có cái nhìn trong sáng về sự vật...

Biết cái dị, tức là biết cái biến, gây nên bởi hoàn cảnh, lịch sử, huyết thống, giáo dục, sẽ giúp ta đi đến cái đồng, cái bất biến, nơi giao hội của mọi cái dị biệt. Những cái biến thiên dị biệt, không thể lấy làm căn bản cho sự hòa đồng nhân loại được.

Hòa đồng nhân loại, chỉ có thể xẩy ra trên một nền tảng duy nhất bất biến, ấy là bản tính con người, lương tâm, lương tri con người, trên những định luật tự nhiên của Trời đất.

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện.

1. Hào Sơ Cửu.

初 九 .     同 人 于 門 . 無 咎 .

象 曰 .     出 門 同 人 . 又 誰 咎也。

Sơ Cửu. Đồng Nhân vu môn. Vô cữu.

Tượng viết.

Xuất môn Đồng Nhân. Hựu thùy cữu dã.

Dịch.

(Quang minh chính đại rạng ngời).

Cùng người hòa hợp cửa ngoài mới hay,

Tượng rằng:

Bước ra cửa, hợp với người.

Mình, người một dạ, ai cười, ai chê.

Khi đã đặt ra những tôn chỉ để đi đến Đại đồng rồi. Hào Sơ cho rằng muốn Đại đồng phải ra khỏi cửa nhà, tức là phải thoát ra khỏi những quyền lợi, những tư tình của cá nhân, của gia đình.

 

2.   Hào Lục nhị.

六 二 . 同 人 于 宗 .  .

象 曰 . 同 人 于 宗 . 吝 道 也 .

Lục nhị. Đồng Nhân vu tông. Lận.

Tượng viết. 

Đồng Nhân vu tông. Lận đạo dã.

Dịch.

Hòa đồng vì họ, vì phe.

Hòa đồng như thế, đáng chê, đáng cười,

Tượng rằng:

Hòa đồng vì họ, vì phe.

Thế là đường lối đáng chê, đáng cười.

Hòa đồng với người không phải là với người thân mình, bạn bè mình, họ mình, đảng mình, nước mình, mà phải mở tầm kích tâm hồn mình cho tới muôn nước, muốn phương.

 

3.  Hào Cửu tam.

九 三 .       伏 戎 于 莽 . 升 其 高 陵 . 三 歲 不 興 .

象 曰 .       伏 戎 于 莽 . 敵 剛 也 . 三 歲 不 興 . 安 行 也 .

Cửu tam. Phục nhung vu mãng. Thăng kỳ cao lăng. Tam tuế bất hưng.

Tượng viết:

Phục nhung vu mãng. Địch cương dã. tam tuế bất hưng, An hành dã.

Dịch.

Cửu tam: rừng rậm phục quân.

Gò cao ngấp nghé, ba năm chẳng vùng.

Tượng rằng: Rừng rậm phục quân,

Muốn cùng (Cửu ngũ) qua phân tranh hùng.

Ba năm chẳng dám vẫy vùng.

Vì rằng chẳng thể tấn công được nào.

Hào ba cho rằng: không nên lấy vũ lực để bắt người hòa đồng với mình. Cho nên phải tổ chức quốc tế hùng mạnh thế nào, để cho mỗi mọi nước dẫu có muốn hưng binh làm loạn cũng không đủ sức.

 

4.   Hào Cửu tứ.

九 四 . 乘 其 墉 . 弗 克 攻 .  .  

象 曰 . 乘 其 墉 . 義 弗 克 也 . 其 吉 . 則 困 而 反 則 也 .

Cửu tứ. Thừa kỳ dung. Phất khắc công. Cát.

Tượng viết:

Thừa kỳ dung. Nghĩa phất khắc dã. Kỳ cát. Tắc khốn nhi phản tắc dã.

Dịch.

Trèo tường mà chẳng tấn công,

Biết không nên đánh, mới mong tốt lành.

Tượng rằng:

Trèo tường không đánh, mới hay,

Biết điều phi nghì, nên đây chẳng làm.

Hay vì trong lúc khốn nàn,

Biết đàng hồi hướng, biết đàng trở trăn.

Hào tư cho rằng dẫu mình có uy thế, cũng đừng nên vì thế mà bắt người phụ họa theo mình. Nếu thấy không có chính nghĩa, chính đạo, thì chớ nên múa may, gây rối làm gì. Nếu dở dói lắm, chỉ tổ đâm vào họa hoạn, rồi ra sẽ sáng mắt, mà trở lại với chính nghĩa.

 

5. Hào Cửu ngũ.

九 五 .     同人,先 號 啕 而  笑 . 大 師 克 相 遇 .

象 曰 .     同 人 之 先 . 以 中 直 也 . 大 師 相 遇 . 言 相 克 也 .

Cửu ngũ. Đồng Nhân tiên hào đào nhu hậu tiếu. Đại sư khắc tương ngộ.

Tượng viết.

Đồng Nhân chi tiên. Dĩ trung trực dã. Đại sư tương ngộ.

Ngôn tương khắc dã.

Dịch.

Đồng Nhân, trước khóc, sau cười,

Vi rằng trung trực, nên rồi ra hay.

Cử binh đánh bọn bài bây,

Sau cùng sẽ gặp được người đồng tâm.

Hào năm cho rằng con người sinh ra cốt để hòa đồng với nhau, nhưng trong thực tế, muốn đi tới cuộc vui đoàn tụ, con người phải trải qua nhiều đoạn khóc vì chia ly.

Người đứng chủ chốt cuộc hòa đồng, cần phải có chính nghĩa, chính đạo, nhưng cũng cần phải có võ lực, nếu không có binh bị trong tay, vạn quốc sẽ không sợ.

Có nhà đạo đức bình giải chữ Đại su+ trong Hào Cửu ngũ này là bằng sức mạnh tinh thần, bằng sức mạnh đạo đức, và cho rằng con người Đại đồng phải hết sức sáng suốt, hết sức bền chí, dẻo dai, nói thành công trong những việc lớn lao, cao cả. Đó là lối giải thích của những bậc cao minh, nhìn đời bằng cặp mắt lý tưởng.

 

6. Hào Thượng cửu. 

上 九 . 同 人 于 郊 . 無 悔 .

象 曰 . 同 人 于 郊 . 志 未 得 也 .

Thượng Cửu. Đồng Nhân vu giao. Vô hối.

Tượng viết:

Đồng Nhân vu giao. Chí vị đắc dã.

Dịch.

Đồng Nhân mới tới đến giao

Đồng Nhân (chưa khắp), phải nào lỗi ta.

Tượng rằng:

Đồng Nhân mới tới đến giao,

Bình sinh chí nguyện, đã nào thỏa thuê.

ÁP DỤNG QUẺ ĐỒNG NHÂN VÀO THỜI ĐẠI

Ngày nay, ta tự hỏi: Muốn xây dựng Đại đồng, lấy gì làm nền tảng? Mầu da, sắc áo, học thuyết, hay các giá trị ngoại tại như các điều kiện kinh tế hay sự chuyển dịch giao thông? Và đây là ít nhiều đường lối đưa đến Đại đồng, của ít nhiều đạo giáo và triết học, triết gia.

1) Phật giáo, Ấn giáo cho rằng phải từ bi, hỉ xả, tuyệt đối không hại người, không dùng võ lực, không sát sinh. Đó cũng là chủ trương Kiêm Ái của Mặc Tử, bất bạo động của Gandhi, chủ trương phản chiến, phản binh của các giáo phái Quakers, Mennomites, của Tolstoi... (Le Pacifisme héroique).

2) Công giáo cho rằng muốn có Đại đồng, nhân loại cần phải thấm nhuần tôn chỉ Phúc Âm, cần có một tôn giáo duy nhất (Le Pacifisme Chrétien).

3) Nhiều nhà Kinh tế học thuộc học phái Manchester, và nhiều triết gia Anh như Bentham, Stuart Mill, herbert Spencer cho rằng: nhân loại cần phải được tự do giao dịch, doanh thương mới có thể đi đến Đại đồng (Le Pacifisme du Libéralisme Économique).

4) Nhiều triết gia Tây phương cho rằng cần phải minh định tôn trọng nhân quyền, công pháp, công quyền, quốc tế công quyền, và cần phải có những tổ chức quốc tế có nhiệm vụ thực thi công quyền và bảo vệ công pháp (Le pacifisme Juridique ou pacifisme de droit). Đó là chủ trương của: Hugo Frotius, Suarez Victoria, Pufendorf, Emmanuel Kant, và những cố gắng của Tòa án Hòa Giải La Haye, Hội Quốc Liên (Société des Nations, 1920-1946), Liên Hiệp Quốc (O.N.U. 1946), Hội Đồng bảo an ở Liên Hiệp Quốc hiện nay v.v...

5) Cộng Sản chủ trương con người chỉ tiến tới Đại đồng được bằng xã hội chủ nghĩa, khi mà trong thiên hạ không còn ai bóc lột ai (Le Pacifisme Maxiste Socialiste et Communiste).

6) Jean Jacques Rousseau cho rằng phải dùng võ lực mới đem lại Đại Đồng được.

7) Chủ trương rằng muốn được Đại Đồng, phải đặt muôn nước dưới quyền cai trị của một nước. Đó là chủ trương của Alexandre, của đế quốc la Mã (Pax Romana), của Napoléon, vv... (Le Pacifisme d'Hégémonie Impérialiste).

8) Chủ trương dùng văn hóa đi tới Đại Đồng, cho rằng những học giả, vác học, thức gỉả trong nhân quần phải liên kết với nhau (Le Pacifisme Culturel).

9) Nho gia cho rằng muốn đi tới Đại Đồng, thì điều kiện tiên quyết là mọi người phải cải thiện tâm hồn mình trước đã.

Nhưng theo nhận định chúng tôi, thì dân tộc Hoa Kỳ hiện nay đang trên đà tiến tới Đại Đồng. thực vậy dân tộc này là gồm người của mọi chủng tộc khác nhau hợp lại, họ không cùng màu da, sắc áo, nhưng nay họ đã liên hợp với nhau thành một nước giàu có, hùng mạnh, đứng hàng bá chủ trên thế giới. Họ đã mở vòng tay thân ái, mà đón nhận hàng triệu người từ tứ phương kéo đến, đã săn sóc, nuôi nấng, giúp đỡ họ. Chính phủ đã giúp những người dân tỵ nạn y như giúp dân nước mình, khi những người này cần đến sự giúp đỡ của chính phủ, mà không để họ phải chịu một sự hổ thẹn nào. Hơn nữa là dù trong tình trạng kinh tế nước nhà đang gặp khó khăn, nhưng khi nước bạn cầu xin giúp đỡ, chính phủ vẫn sẵn sàng giúp họ.

Ra đường, trông ai cũng bằng ai; khi phạm tội thì dù là ông lớn, hay dân thưòng nào cũng bị đền tội như nhau, không phân biệt.

Tôi ở xứ này đã lâu năm, nhưng chưa hề trông thấy người lính Hoa Kỳ nào, nên trên khắp lãnh thổ, thấy vắng bóng chiến tranh, mà chỉ thấy cảnh thanh bình vui tươi trên mặt đất. Cảnh thanh bình này còn lan xuống vạn vật. Chim chóc, cỏ cây không ai có quyền tự ý hủy hoại, nên chim tự do bay, đậu, không còn lo sợ loài người bủa lưới, bắn tên. Ngoài công viên, trong đồng nội, trăm hoa đua nở, khoe sắc thắm, nhưng con người chỉ đứng ngắm, chứ không ai dám, hoặc nỡ ngắt hoa, vì hủy hoại nó sẽ bị phạt, hoặc bị người khác bắt gặp sẽ khinh khi mình.

Đi ra đường, nhiều khi gặp người không quen biết, họ cũng chào mình. Mua bán đồ vật, nếu về không ưng thì có quyền trả lại.  Thử hỏi, trong chúng ta, nếu ai có một chút kiến thức, thì dù vô tình đến đâu cũng nhận thấy xứ này có những đặc điểm hơn quê hương mình, và hơn nhiều nơi mình đã đi qua.

Ngày nay, các nước Bắc Âu (Na Uy, Thụy Điển, Phần lan) và các nước khác như Thụy Sĩ vv... đều có một đời sống rất cao và một nền an sinh xã hội rất chu đáo. Các nước này cũng như Hoa Kỳ đang tiến tới Thế Giới Đại Đồng vậy.


Nguồn: www.nhantu.net





- Hỗ trợ Dân tộc King -

Đăng nhận xét

0 Nhận xét