📢 Bài mới

6/recent/ticker-posts

Quẻ 15: Địa Sơn Khiêm (地 山 謙)

15. 地 山 謙  ĐỊA SƠN KHIÊM    

 

Khiêm Tự Quái

  

Hữu đại giả.

有 大 者

Bất khả dĩ doanh.

不 可 以 盈,

Cố thụ chi dĩ Khiêm.

故 受 之 以 謙

 

Khiêm Tự Quái

Có nhiều, chớ có ỷ mình tự kiêu.

Quẻ Khiêm vì vậy tiếp theo. 

 

Quẻ Khiêm là một quẻ tốt nhất trong kinh Dịch. Toàn thể quẻ từ Thoán đến Hào, toàn thấy Hanh, thấy Cát, thấy Lợi. Mới hay Thánh Hiền trọng nhất sự khiêm cung.

Quẻ Khiêm thủ nghĩa ở Hào Cửu tam và ở hình dung của quẻ: một Hào Dương tức là Dương Cương chi tài, mà chịu khuất lấp dưới Hào Âm, siêu việt như núi non mà chịu ẩn mình trong lòng đất, quán thế hiền tài mà sống thầm lặng trong lòng dân, giúp ích cho đời mà không khoe khoang nửa lời, nửa tiếng.

Quẻ Khiêm cũng còn nói lên một định luật hằng cửu của trời đất:

- Cái gì thấp (Khôn= Đất) sẽ được đưa lên cao.

- Cái gì cao ( Cấn= Núi) sẽ bị hạ xuống thấp.

Ta thấy nơi quẻ Khiêm: Khôn là đất lại ở trên, Cấn là núi lại ở dưới. Tất cả quẻ Khiêm đều đề cao sự cần thiết và ích lợi của sự khiêm cung. 

I. Thoán.

Thoán Từ.  

謙:亨,君 子 有 終。

Khiêm. Hanh. Quân tử hữu chung.

Dịch.

Khiêm là khiêm tốn, mới hay.

Việc người quân tử có ngày thành công.

Thoán Từ chủ trương Khiêm tốn rồi ra sẽ đem lại sự thành công mỹ mãn. 

Thoán Truyện.

謙,亨,天 道 下 濟 而 光 明,地 道 卑 而 上 行。天 道 虧 盈 而 益 謙,地 道 變 盈 而 流 謙,鬼 神 害 盈 而 福 謙,人 道 惡 盈 而 好 謙。謙 尊 而 光,卑 而 不 可 踰,君 子 之 終 也。

Thoán viết. Khiêm hanh. Thiên đạo hạ tế nhi quang minh. Địa đạo ti nhi thượng hành. Thiên đạo khuy doanh nhi ích Khiêm. Địa đạo biến doanh nhi lưu Khiêm. Quỷ thần hại doanh nhi phúc Khiêm. Nhân đạo ố doanh nhi hiếu Khiêm. Khiêm tôn nhi quang. Ti nhi bất khả du. Quân tử chi chung dã.

 Dịch. Thoán Truyện

Thoán rằng: Khiêm tốn mới hay.

Trời kia giúp dưới, nên đầy quang minh,

Đất kia chốn thấp, phận đành,

Thấp nên mới có công trình vươn cao.

Trời làm vơi chốn rồi rào,

Mà thêm vào những chỗ nào khiêm cung.

Đất soi mòn, bớt cao phong,

Để cho lòng biển, lòng sông thêm dày,

Quỷ thần hại kẻ no đầy,

Mà đem phúc lại cho người khiêm cung.

Người thường ghét kẻ thừa dùng,

Còn người khiêm tốn thật lòng, thời ưa.

Trên khiêm, thì sáng mãi ra,

Dưới khiêm, ai kẻ hơn ta được nào,

Khiêm cung, giữ vẹn trước sau,

Rồi ra, quân tử gót đầu hanh thông.

-Trên trời, thời mặt trời lên tới đỉnh đầu sẽ phải xế bóng, có lặn xuống lòng trời, thì mới có cơ tiến thăng. Mặt trăng tròn rồi lại khuyết, có vơi rồi lại đầy.

-Dưới đất, núi non thường bị soi mòn, mà lòng biển, lòng sông thời được bồi đắp thêm mãi.

-Trên đời ta thấy thịnh rồi lại suy, suy rồi lại thịnh, các tầng lớp người thay nhau hưởng phú quý, hoặc nếm phong trần, Nhung lụa thường cũng có lúc sa cơ, áo vải vẫn làm nên sự nghiệp. Y thức như Trời, Đất ghen ghét kẻ tài danh, kiêu ngạo, mà phù trợ những kẻ khiêm cung, tự lực, tự cường. Ca vịnh Magnificat cũng có đoạn đại khái như sau:

Xô kẻ quyền uy xuống khỏi ngôi,

Đem người khiêm tốn tới Quỳnh đài.

Hồng ân, đói khổ ban rào rạt,

Bạc mệnh, giàu sang phận khiến xui...

Nhân tình cũng thường ghét kẻ kiêu căng, mà thương người khiêm tốn. Có khiêm cung, đường đời mới được hanh thông, và cuối cùng mới được giàu có.

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰.    地 中 有 山,謙 ﹔ 君 子 以 裒 多 益 寡,稱 物 平 施。

Tượng viết:

Địa trung hữu sơn. Khiêm. Quân tử dĩ biều đa ích quả. Xứng vật bình thi.

Dịch. Tượng rằng:

Núi trong lòng đất là Khiêm,

Hiền nhân, nhiều bớt, ít thêm, mới là,

Những gì chênh lệch, quá đà,

Sửa sang, thêm bớt, cho vừa, cho cân.

Tượng Truyện cho rằng: Người quân tử khi trị dân cũng phải biết hạn chế quyền uy, giảm bớt tài sản của những kẻ sang giầu, đồng thời cũng phải biết nâng đỡ, khuyến khích những kẻ khó nghèo, ngu muội, như vậy mới giữ được thế quân bình cho xã hội. 

III. Hào từ & Tiểu tượng Truyện 

1.  Hào Sơ Lục.

初 六.     謙 謙 君 子,用 涉 大 川,吉。

象 曰:   謙 謙 君 子,卑 以 自 牧 也。 

Sơ Lục. Khiêm Khiêm quân tử. Dụng thiệp đại xuyên. Cát.

Tượng viết: 

Khiêm Khiêm quân tử. Ti dĩ tự mục dã.

Dịch.

Quân tử khiêm cung, thế tốt rồi.

Vượt qua sông lớn dễ như chơi.

Tượng rằng: Quân tử  khiêm  nhường,

Nhún mình cốt  để  lo lường tu thân.

Các Hào bàn đến sự lợi ích của sự khiêm cung, cũng như phải khiêm cung thế nào cho hay, cho phải.

Hào Sơ bàn đến sự khiêm cung, nhũn nhặn của người quân tử, khi còn ở địa vị thấp; và cho rằng, nhờ sự khiêm cung ấy, sẽ lướt thắng được mọi sự khó khăn, sẽ dễ dàng tu thân, tu đạo.

 

2. Hào Lục nhị.

六 二.       鳴 謙,貞 吉。

象 曰:     鳴 謙 貞 吉,中 心 得 也。 

Lục nhị. Minh Khiêm. Trinh cát.

Tượng viết: 

Minh Khiêm trinh cát. Trung tâm đắc dã.

Dịch.

Lục nhị khiêm cung hiện ra ngoài,

Ôn tồn ăn nói, tốt mấy mươi.

Tượng rằng: Khiêm hiện ra ngoài,

Là vì trong đã đầy rồi, phát ra.

Hào hai dạy rằng:  Khiêm cung phải làm sao cho thành khẩn, trung thực để sự khiêm cung ấy được thể hiện một cách tự nhiên vào lời ăn, tiếng nói. 

 

3.  Hào Cửu tam.

九 三.      勞 謙,君 子 有 終,吉。

象 曰:    勞 謙 君 子,萬 民 服 也。

Cửu tam. Lao Khiêm quân tử. Hữu chung. Cát.

Tượng viết: 

Lao Khiêm quân tử. Vạn dân phục dã.

Dịch.

Công lao chất ngất, lại khiêm cung,

Quân tử làm nên việc đến cùng.

Lao Khiêm như vậy, có hay không.

Tượng rằng: Công lớn, lại Khiêm,

Làm cho dân chúng mọi miền, phục tuân.

 

Hào ba là Hào Dương duy nhất, lại cũng là chủ Hào, tượng trưng người quân tử công đức cao dầy với dân, với nước, mà vẫn khiêm cung một dạ, khiến cho mọi người phải khâm phục. Các nhà bình giải đã mang Hào này để tượng trưng cho vua Hạ Võ, hay Chu Công.

Hạ Võ ra tài trị thủy, đem thái thịnh lại cho chúng dân, mà vẫn không khoe công, cậy tài, cậy giỏi.

Chu Công trong thì phò ấu chúa, ngoài thì trị bình thiên hạ, mà vẫn một mực khiêm cung, một lòng vì vua, vì nước, không bao giờ để cho huyễn tượng công danh, lợi lộc lay chuyển được lòng trung nghĩa, sắt son. Lời lẽ này chẳng khác lời lẽ Thoán Từ bao nhiêu. 

 

4. Hào Lục tứ.

六 四.      無 不 利,撝 謙。

象 曰:    無 不 利,撝 謙 ﹔ 不 違 則 也。  

Lục tứ. Vô bất lợi. Vi Khiêm.

Tượng viết: 

Vô bất lợi vi Khiêm. Bất vi tắc dã.

 Dịch. Lục tứ:

Đức Khiêm hãy phát huy.

Rồi ra ích lợi chẳng thiếu gì.

Tượng rằng: Khiêm tốn cho hay,

Đừng Khiêm thái quá, phải tày phép khuôn.

Hào tứ dạy rằng: Khi ở vào bậc trọng thần, phải khiêm cung, thành khẩn, nhất là khi trên mình còn có một vì vua khiêm cung đức độ, dưới mình có một công thần quán chúng mà không kiêu ngạo, cậy mình. Khiêm cung nhưng đúng mực, không a dua, nịnh hót. 

 

5.  Hào Lục ngũ.

六 五.       不 富 以 其 鄰,利 用 侵 伐,無 不 利。

象 曰:     利 用 侵 伐,征 不 服 也。 

Lục ngũ. Bất phú dĩ kỳ lân. Lợi dụng xâm phạt. Vô bất lợi.

Tượng viết: 

Lợi dụng xâm phạt. Chinh bất phục dã.

Dịch.

Chẳng ỷ giầu sang, được láng giềng,

Có khi chinh phạt, vẫn là nên.

Tượng rằng: Chinh phạt cũng nên,

Để ai chưa phục. phục quyền mới hay.

Hào năm dạy rằng: Khiêm cung không phải là Nhu nhược, như ở ngôi vị quân vương mà có những dân man, di, Nhung, địch không chịu qui phục mình, thì cũng nên dùng đến uy vũ mà chinh thảo, như vua Thuấn đánh Miêu, vua Võ  dẹp Hung Nô vậy. 

 

6. Hào Thượng Lục.

上 六.     鳴 謙,利 用 行 師,征 邑 國。

象 曰:   鳴 謙,志 未 得 也。 可 用 行 師,征 邑 國 也。  

Thượng Lục. Minh Khiêm. Lợi dụng hành sư. Chinh ấp quốc.

Tượng viết:

Minh Khiêm. Chí vị đắc dã. Khả dụng hành sư. Chinh ấp quốc dã.

Dịch.

Thượng Lục: Khiêm cung hiện ra ngoài.

Dẹp loạn  khi cần, lợi hẳn thôi.

Tượng rằng: Khiêm hiện ra ngoài,

Ước nguyền chưa được vẹn mười thỏa thuê,

Tảo thanh trong xứ, ngoài quê,

Xuất sư chinh phạt, cũng khi phải dùng.

Hào Thượng Lục dạy thêm rằng: Khiêm cung nhưng phải khiêm cung cho lý sự, chứ không phải khiêm cung đến mức độ yếu mềm, hèn hạ. Khiêm cung nhưng lúc cần ra uy vũ, dẹp loạn, thì vẫn xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên.

ÁP DỤNG QUẺ KHIÊM VÀO THỜI ĐẠI 

Bất cứ ở vào Thời đại nào, sự Khiêm cung cũng là một đức tính, mà mỗi người trong chúng ta đều nên có. Khiêm cung là cơ vi của sự tồn vong, suy thịnh.

Ở đời  cố gắng mới thành công, có thận trọng mới tránh được họa, có chịu thu phục lòng người, mới có nhân tài cộng tác. Cho nên tương lai chỉ để dành cho những người có lý tưởng để vươn lên, có mục phiêu để đạt tới, tức là cho những người còn thấy mình khuyết điểm chưa hoàn bị. Còn những người tự hào, tự mãn, sống kiêu sa, cao ngạo, tự thị, khinh người, thì thế nào cũng đi vào con đường suy bại.

Các Thánh Hiền xưa nay, không phân Đạo giáo, đều tôn trọng đức Khiêm cung.

Nếu chúng ta có đức Khiêm cung:

-Trong gia đình, thì cha mẹ vui lòng, anh em hòa thuận, vợ chồng êm ấm.

-Ngoài xã hội, thì được lòng người, dễ làm ăn hơn.

-Về phương diện Quốc gia, nếu người lãnh đạo mà có đức Khiêm cung, thì dễ thu phục lòng người, và sẽ có nhiều nhân tài tới cộng tác với mình hơn.


Nguồn: www.nhantu.net





- Hỗ trợ Dân tộc King -

Đăng nhận xét

0 Nhận xét