58. 兌 為 澤 ĐOÀI VI TRẠCH
BÁT THUẦN ĐOÀI
Đoài Tự Quái | 兌 序 卦 |
Tốn giả nhập dã. | 巽 者 入 也 . |
Nhập nhi hậu duyệt chi. | 入 而 後 說 之 |
Cố thụ chi dĩ Đoài. | 故 受 之 以 兌 . |
Đoài giả duyệt dã. | 兌 者 說 也 . |
Đoài Tự Quái
Tốn vào, vả lại có phần sướng vui,
Cho nên nối tiếp là Đoài,
Đoài là vui sướng, vui rồi ly tan.
Mình từ tốn đối với người, người sẽ đẹp lòng. Vì thế sau quẻ Tốn là quẻ Đoài.
I. Thoán.
Thoán từ.
兌 . 亨 . 利貞 .
Đoài. Hanh. Lợi trinh.
Dịch.
Đoài là vui vẻ, thỏa thuê,
Rồi ra mới được mọi bề hanh thông.
Chính trinh, mà trọn được lòng,
Thế thời ích lợi, mới mong chu toàn.
Làm cho người đẹp lòng, đẹp dạ, người sẽ vui lòng cộng tác với mình để làm nên đại sự, vì thế nói Đoài hanh. Nhưng làm đẹp lòng người đây, không phải bằng những thủ đoạn bất chính, mà phải bằng những đường lối chính đáng, những cách thức đường hoàng, như vậy mới hay, mới lợi (Lợi trinh). Trinh là minh chính, chính đáng.
Thoán Truyện. Thoán viết.
彖 曰 . 兌 . 說 也 . 剛 中 而 柔 外 . 說 以 利 貞 . 是 以 順 乎 天 . 而 應 乎 人 . 說 以 先 民 . 民 忘 其 勞 . 說 以 犯 難 . 民 忘 其 死 . 說 之 大 . 民 勸 矣 哉 .
Đoài. Duyệt dã. Cương trung nhi nhu ngoại. Duyệt dĩ lợi trinh. Thị dĩ thuận hồ thiên. Nhi ứng hồ nhân. Duyệt dĩ tiên dân. Dân vong kỳ lao. Duyệt dĩ phạm nạn. Dân vong kỳ tử. Duyệt chi đại. Dân khuyến hỹ tai.
Dịch.
Đoài là vui vẻ, thỏa thuê,
Trong cương, ngoài lại thêm bề thuận nhu.
Vui mà chính đáng vui hòa,
Vui theo chính ý, lợi là mấy mươi.
Trên thời thuận với lòng trời,
Dưới thời ứng với lòng người gần xa.
Khiến dân đẹp ý, vui hòa,
Dẫu dân mệt nhọc, cũng là quên đi,
Dân vui, dân gặp hiểm nguy,
Băng chừng hiểm nạn, quản gì tử vong.
Làm cho dân được vui lòng.
Thời thôi, hậu quả vô cùng lớn lao.
Thoán Truyện quảng luận Thoán từ và cho rằng làm chính trị , phải cố sao cho được lòng dân (Đoài duyệt dã).
Bậc Quốc quân, bên trong thì minh chính, cương trực, quả quyết; nhưng bên ngoài thì mềm mỏng, khéo léo đối với mọi người (Cương trung nhi nhu ngoại). Nói thế, vì Đoài có hai Hào Dương cương bên trong, một Hào Âm nhu ở ngoài. Dùng những phương pháp chính đáng, để chinh phục lòng người, làm cho mọi người vừa lòng, đẹp ý, như thế sẽ thâu hoạch được nhiều ích lợi (Duyệt dĩ lợi trinh). Hành xử như vậy, sẽ thuận ý trời, vừa lòng người (Thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân).
Cai trị dân, hướng dẫn dân, mà làm cho dân vui đẹp, thì dẫu khiến dân làm lụng vất vả, dân cũng chẳng nề hà, dẫu bắt dân xông pha gian khổ, dân cũng liều chết hy sinh (Duyệt dĩ tiên dân. Dân vong kỳ lao. Duyệt dĩ phạm nạn. Dân vong kỳ tử). Vì thế, đắc nhân tâm, là một công trình vĩ đại, làm được cho dân chúng hứng khởi, nô nức hợp tác với chính quyền, trong mọi chương trình kiến quốc, thực là cao siêu vậy (Duyệt chi đại dân khuyến hỹ tai). Đại Học chủ trương: Nhà cầm quyền, nếu được lòng dân chúng, ắt được đất nước. Nếu để mất lòng dân chúng, chẳng khỏi mất nước.
II. Đại Tượng Truyện.
Tượng viết.
象 曰 . 麗 澤 . 兌 . 君 子 以 朋 友 講 習 .
Lệ trạch. Đoài. Quân tử dĩ bằng hữu giảng tập.
Đoài ở đây là quẻ Đoài kép (Lệ Trạch Đoài).
Dịch. Tượng rằng:
Hai hồ kế cận thông nhau,
Bạn bè giảng tập, cơ mầu mới tinh.
Tượng giảng là hai hồ nước ở kế cận nhau, nương tựa lẫn nhau, nên đỡ khô cạn. Như vậy, muốn vui phải có đôi, có bạn.
Dịch, nhân lẽ đó dậy người quân tử, nên cùng bằng hữu học hỏi cho ra nghĩa lý, và sau đó, đem thực thi những điều đã học hỏi được. Âu cũng là nói lên sự cần thiết phải có bầu bạn, để học hành cho có hứng thú.
III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện
1. Hào Sơ Cửu.
初 九 . 和 兌 . 吉 .
象 曰 . 和 兌 之 吉 . 行 未 疑 也 .
Sơ Cửu.
Hòa Đoài. Cát.
Tượng viết:
Hòa Đoài chi cát. Hành vị nghi dã.
Dịch.
Một niềm hòa duyệt, thời hay,
Tượng rằng: Hòa duyệt mà hay,
Là vì cư xử, chẳng ai nghi ngờ.
Hào Sơ cửu ở dưới cùng quẻ Đoài, Dương cương mà lại không ứng với Cửu tứ. Thế nghĩa là Sơ Cửu biết hạ mình, sống hòa thuận với mọi người, làm đẹp lòng mọi người, mà chẳng thiên vị ai, vì thế nên tốt (Hòa Đoài. Cát).
Tấn Vân Phùng Thị nói: Hào Sơ có Dương đức, mà biết hạ mình, không thèm muốn Tam, không hiềm khích Nhị. Đó là tượng trưng người quân tử biết sống giản dị, khiêm cung, hòa nhã vậy.
Cái hay của Hào Sơ Cửu chính là biết tùy thời thuận xử, chưa làm điều gì sai ngoa, thất thố (Hòa Đoài chi cát. Hành vị nghi dã).
2. Hào Cửu nhị.
九 二 . 孚 兌 . 吉 . 悔 亡 .
象 曰 . 孚 兌 之 吉 . 信 志 也 .
Cửu nhị.
Phu Đoài. Cát. Hối vong.
Tượng viết:
Phu Đoài chi cát. Tín chí dã.
Dịch.
Sắt son một dạ, chẳng rời,
Hòa mà chẳng để cho người cuốn lôi,
Thế mới hay, thế mới tài.
Thế thời hết chuyện ỉ ôi, phàn nàn.
Tượng rằng:
Chính trung, hòa duyệt mà hay,
Là vì son sắt, dẫu lay chẳng rời.
Cửu nhị Dương cương, lại đắc trung, nên nói rằng: Dùng sự khảng khái mà được lòng người (Phu Đoài), vì thế nên hay, nên tốt, không có điều gì đáng phàn nàn (Cát. Hối vong). Thế là trong có chủ trương vững chắc, ngoài thì hòa duyệt, cảm thông với mọi người. Tượng cho rằng: Cửu nhị được lòng người mà vẫn hay, chính là vì có một niềm tin vững mạnh, nên chủ trương dứt khoát (Phu Đoài chi cát. Tín chí dã).
3. Hào Lục tam.
六三 . 來 兌 . 凶 .
象 曰 . 來 兌 之 凶 . 位 不 當 也 .
Lục tam.
Lai Đoài. Hung.
Tượng viết:
Lai Đoài chi hung. Vị bất đáng dã.
Dịch.
Vui đâu, cũng vội xà vào,
Thế thời là xấu, phải nào hay đâu.
Tượng rằng:
Thấy vui xà tới, hay chi,
Là vì chẳng được xứng vì, xứng ngôi.
Lục tam. Ngự Án giải: Lai Đoài là một kẻ chuyên chú đi tìm thú vui, lấy hưởng thụ làm lẽ sống, chạy theo những thú vui bên ngoài, thấy đâu vui là sà đến. Như vậy làm sao mà hay được. Lai Đoài chi hung. Vị bất đáng dã. Tượng Truyện cho rằng cái dở của Lục tam, chính là tại vì không êm ngôi, xứng vị. Lấy tính cách Âm nhu, mà cầu duyệt bá vơ. Thấy người sang, bắt quàng làm họ, rồi bợ đỡ, nịnh hót. Như vậy đâu có hay (Lai Đoài chi hung. Vị bất đáng dã).
4. Hào Cửu tứ.
九 四 . 商 兌 . 未 寧 . 介 疾 有 喜 .
象 曰 . 九 四 之 喜 . 有 慶 也 .
Cửu tứ.
Thương Đoài vị ninh. Giới tật hữu hỉ.
Tượng viết:
Cửu tứ chi hỉ. Hữu khánh dã.
Dịch.
Băn khoăn, lưỡng lự, chưa yên,
Bên tà, bên chính, vui bên phía nào?
Rạch ròi, rất khoái phân mao,
Bỏ tà, theo chính, thế nào cũng vui.
Tượng rằng:
Được như Cửu tứ mà vui.
Thế là phúc khánh cho đời, còn chi.
Cửu tứ là Dương cương cư Âm vị, nên chưa phải là một người quân tử hoàn toàn, lại tiếp giáp với Cửu ngũ, tượng trưng cho một người công chính, cho những thú vui tinh thần cao thượng; và với Lục tam tượng trưng cho một kẻ Âm tà, cho những thú vui vật chất hư hèn. Thành thử Cửu tứ lưỡng lự, (Thương Đoài), chưa biết chọn bên nào, vì thế cho nên lòng còn sao xuyến chưa yên (Vị ninh). Nhưng rút cuộc, Cửu tứ đã có một thái độ rứt khoát. Đó là xa lánh tiểu nhân, khinh chê những thú vui hư hèn (Giới tật), vì thế nên đáng mừng vậy (Hữu hỉ). Cửu tứ là một trọng thần, mà cư xử được như vậy, thật là phúc lớn, chẳng những cho Cửu tứ, mà còn cho quốc gia nữa vậy (Cửu tứ chi hỉ. Hữu khánh dã).
5. Hào Cửu ngũ.
九 五 . 孚 于 剝 . 有 厲 .
象 曰 . 孚 于 剝 . 位 正 當 也 .
Cửu ngũ.
Phu vu bác. Hữu lệ.
Tượng viết:
Phu vu bác. Vị chính đáng dã.
Dịch.
Nếu tin kẻ chực hại mình,
Thế thời nguy hiểm, chênh vênh quá chừng.
Tượng rằng:
Nếu tin vào kẻ hại mình,
Thế thời nguy hiểm, chênh vênh quá chừng.
Đã ngôi chính đáng cửu trùng.
Càng nên cẩn mật, đề phòng mới nên.
Cửu ngũ tuy là một ngôi vị quân vương, Dương cương đắc trung, đắc chính, nhưng nếu tin dùng kẻ tiểu nhân, ngoài mặt thì xu phụ mình, còn trong lòng thì muốn hãm hại mình (Phu vu bác), như vậy rất nguy hiểm.
Tiểu tượng cho rằng: Dầu địa vị Cửu ngũ có chính đáng chăng nữa, nhưng vẫn phải đề phòng bọn tiểu nhân. (Phu vu bác. Vị chính đáng dã).
Quản Trọng trước khi chết, xin Tề Hoàn Công đuổi Diệt Nha, Thụ Điêu và Khai Phương, là những kẻ khéo bầy vẽ, tìm thú chơi cho nhà vua. Hoàn Công nói: Diệt Nha nấu thịt con nó cho ta ăn, vậy nó thương ta còn hơn con nó, mà còn nghi nỗi gì? Quản Trọng thưa: Nhân tình không chi hơn con, con nó mà nó còn nỡ giết, huống chi là chúa sao?.
Hoàn Công nói: Thụ Điêu nó tự thiến mà thờ ta, ấy là nó tiếc ta hơn thân nó, sao lại chẳng dùng? Quản Trọng thưa: Nhân tình tiếc chi bằng tiếc thân, thân nó, nó không tiếc, huống chi thân chúa?.
Hoàn Công nói: Vệ Công tử Khai Phương bỏ chức công tử, ngàn cỗ xe, qua ở làm tôi ta, đến nỗi cha mẹ chết không về để tang, là mến ta hơn mến cha mẹ, thật không còn nghi gì nữa. Quản Trọng thưa: Nhân tình ai gần hơn cha mẹ, mà nó còn nỡ vậy thay, huống chi là Chúa. Phàm được phong ngàn cỗ xe, ai chẳng muốn, mà nó bỏ ngàn cỗ xe để đến với Chúa Công, là nó muốn nhiều hơn nghìn cỗ xe nữa kia chớ.
Hoàn Công nói: Ba người ấy thờ ta lâu lắm, sao ngày thường không thấy Trọng Phụ nói một lời?. Quản Trọng thưa: Tôi mà chẳng nói, là vì họ vừa ý Chúa công, chúng ví như nước, tôi ví như bờ đê, chẳng cho nước trào. Nay bờ đê đã lở rồi, lo sẽ có nước lụt, xin Chúa Công phải tránh. Tề Hoàn Công nghe lời, đuổi bọn Diệt Nha, Thụ Điêu và Khai Phương đi. Nhưng ít lâu sau, lại thương tiếc, triệu chúng về dùng lại. Về sau quả nhiên, bị bọn này hãm hại. Khi Hoàn Công bị bệnh nặng, họ cho xây bức tường cao ba trượng quanh tẩm thất, không cho ai lai vãng, thăm nom, để vua chết trong đói khát, cô quạnh (Đông Chu Liệt Quốc, Võ Minh Trí dịch, trang 390 - 391, và 413 - 414).
6. Hào Thượng Lục.
上 六 . 引 兌 .
象 曰 . 上 六 引 兌 . 未 光 也 .
Thượng Lục.
Dẫn Đoài.
Tượng viết:
Thượng Lục dẫn Đoài. Vị quang dã.
Dịch.
Đã vui, còn muốn kéo dài,
Tượng rằng: Thượng muốn vui hoài,
Thế là chưa phải là người quang minh.
Thượng Lục. Ngự Án cho rằng: Thượng Lục chính là một người chỉ còn biết có hoan lạc, hưởng thụ, ngoài ra họ không còn có chí hướng, mục phiêu gì khác nữa (Thượng Lục dẫn Đoài. Vị quang dã). Hành xử như vậy, làm sao gọi là quang minh được?
ÁP DỤNG QUẺ ĐOÀI VÀO THỜI ĐẠI
Trời sinh ra người, luôn muốn cho con người sống vui, sống khoẻ, chứ không phải muốn cho con người bị đọa đầy để mà đền tội. Ta bị khổ là do xã hội, do gia đình, do chính bản thân ta, do sự u mê, lầm lạc của ta đã lôi cuốn ta vào sự khổ đó, chứ không phải do Trời hành, Trời phạt.
Khổ là do xã hội: Trong một nước, mà phong kiến, lạc hậu còn ngự trị, thì người dân sao mà sống thoải mái được. Ta hãy nhìn xem hình ảnh của trẻ em bên Hoa Kỳ, các em da dẻ hồng hào, mập mạnh, chạy nhẩy, tươi cười. Trông các em, ta cảm thấy như trông thấy bầy thiên thần đang nô đùa. Trong khi đó, hãy nhìn trẻ em ở trong các xã hội chậm tiến như ở bên Á Châu, Phi châu; ta thấy các em xanh xao, gầy ốm, thiếu sự hồn nhiên, hay quấy, hay khóc.
Còn người lớn, thì đa số thiếu ăn, thiếu mặc, đời sống thiếu tiện nghi, thua sút dân tộc xứ người quá xa.
Làm sao cho ta khỏi khổ vì xã hội, vì gia đình, hay vì sự mê muội của chính bản thân ta.
Trước tiên, người cầm đầu nước phải biết mưu lợi ích cho dân. Phải biết đưa dân, chỉ dẫn cho dân vào con đường tiến hóa về mọi mặt : kinh tế, xã hội, đạo đức, nghề nghiệp, phát minh vv... Luôn luôn phải chạy đua trên đà tiến hóa của nhân loại. Luôn luôn phải giúp dân, nâng đỡ những tài năng ưu tú để họ có đủ phương tiện vật chất, tinh thần, để họ có thể thực hiện được những hoài bão của họ, để họ có thể mang tài năng của mình mà giúp ích cho nhà, cho nước mai sau.
Tiếp theo, người dân phải biết bổn phận mình phải làm gì? Mỗi người dân, gái cũng như trai, ai nấy đều phải có nghề nghiệp để có thể tự túc được, không phải sống nương tựa vào người khác. Ngay trẻ em, từ 8 tuổi, ta cũng thể tập cho các em có thể giúp đỡ cha mẹ trong công việc nhẹ trong nhà như: lau bàn ghế, hay có thể tự săn sóc lấy cho mình được như ăn uống, tắm rửa, thay quần áo, thu dọn buồng ngủ của mình cho ngăn nắp. Như vậy, trong một gia đình, vợ chồng đều có nghề có thể kiếm được tiền, con tuy nhỏ mà đã có óc trưởng thành sớm, thì dù ở hoàn cảnh nào, ta cũng không bị lo âu nao núng. Như vậy, ta đã bớt được rất nhiều nỗi khổ vì gia đình.
Khổ do chính bản thân ta tạo ra. Phần lớn nỗi khổ này do sự hôn nhân sai lầm mà ra, cũng chỉ vì yêu đương vội vã, không suy xét cẩn thận đã kết hôn. Sau đó, là do nghề nghiệp, đó cũng là vì lúc còn ở học đường, ta đã chọn một nghề không hợp với khả năng của ta, chỉ vì cha mẹ ta, hoặc do chính bản thân ta, chỉ chọn nghề do bề ngoài của nó, mà ít người nào chịu tìm hiểu xem mình có đủ khả năng học nghề đó không, hoặc nó có thích hợp với mình không? Do đó hậu quả là khi ra trường không kiếm được việc, hoặc có việc mà không được trọng dụng, vì khả năng quá yếu của mình, nên lúc nào cũng không được thoải mái, hoặc tự ti mặc cảm vì kém bạn đồng nghiệp.
Tệ hại hơn nữa, là khổ do sự u mê mà ra. Nhiều người chỉ vì muốn làm giầu nhanh chóng mà không phải khó nhọc gì, nên lao đầu vào thú vui bài bạc, để cuối cùng tán gia bại sản vì nó. Lại có người chạy theo thú vui nhục dục, để rồi tiền hết, bệnh mang. Lúc đó lại đổ cho tại số sui mà ra. Tóm lại, Khổ hay Sướng, Buồn hay Vui là do ta tự quyết định cho ta vậy.
Nguồn: www.nhantu.net
1 Nhận xét
Xin cám ơn vì cung cấp thông tin rất rõ ràng.
Trả lờiXóa⛔️ Vui lòng để lại phản hồi nếu file sách bị lỗi, hoặc bình luận tên sách quý anh chị cần tìm. Dân tộc KING sẽ khắc phục file lỗi và cố gắng tìm sách giúp quý anh chị. Chân thành cảm ơn!
🙏🙏🙏