📢 Bài mới

6/recent/ticker-posts

Quẻ 62: Lôi Sơn Tiểu Quá (雷 山 小 過)

62. 雷 山 小 過  LÔI SƠN TIỂU QUÁ  

 

Tiểu Quá Tự Quái

小 過 序 卦

Hữu kỳ tín giả tất hành chi.

有 其 信 者 必 行 之

Cổ thụ chi dĩ Tiểu quá.

故 受 之 以 小 過

 

Tiểu Quá Tự Quái

Tin rồi, công việc tất nhiên thi hành.

Cho nên Tiểu Quá mới sinh. 

 

Tiểu Quá là một trong những quẻ khó giải. Muốn giải ta cần phải hiểu rõ hai chữ Tiểu Quá nghĩa là gì?

a). Có người dựa theo Đại Tượng Truyện giải: Tiểu Quá là quá mức đôi chút.

b). Có người lại phân tách quẻ Tiểu Quá và cho rằng: Tiểu Quá trong có 2 Hào Dương, bên ngoài có 4 Hào Âm. Âm quá nhiều hơn Dương, mà Âm là Tiểu, nên gọi là Tiểu Quá. Thời Tiểu Quá là thời mà Tiểu nhân giữ các chức vụ then chốt, còn Quân tử thì giữ những vai trò phụ thuộc. Wilhelm khi dịch Tạp Quái, dịch Tiểu Quá là thời buổi Giao Thời (Transition). Tôi (Tác giả) thấy rằng hiểu Tiểu Quá là thời buổi giao thời, sẽ giúp ta hiểu quẻ Tiểu Quá dễ dàng hơn. Vì thời buổi giao thời đúng là thời kỳ mà:

Trời làm một trận lăng nhăng.

Ông lại xuống thằng, thằng lại lên ông.

Lúc đó tiểu nhân đắc thế, mà quân tử thất thời. Thời buổi giao thời cũng là thời buổi lắm chuyện nhố nhăng, quá mức, quá lạm. Gặp thời buổi này, giữ được mình toàn vẹn là hay, chứ đừng mong gì làm được đại công, đại sự. Đó là mấy ý chính của quẻ Tiểu Quá.

I. Thoán.

Thoán từ.

小 過 .  . 利 貞 . 可 小 事 . 不 可 大 事 . 飛 鳥

 遺 之 音 . 不 宜 上 宜 下 .   .

Tiểu Quá. Hanh. Lợi trinh. Khả tiểu sự. Bất khả đại sự.

Phi điểu di chi âm. Bất nghi thượng nghi hạ. Đại cát.

Dịch.

Hào Âm nhiều quá hơn Dương,

Gọi là Tiểu Quá vẫn đường hanh thông.

Nếu mà minh chính một lòng,

Rồi ra nên lợi, sinh công dễ dàng.

Sức vừa, liệu việc tầm thường,

Chớ nên đại sự, đảm đương chuốc mòng.

Chim bay, để lại dư âm,

Cao tầm chẳng tới, thấp tầm mới bay.

Thế thời tốt đẹp lắm thay.

 

Sống trong thời buổi giao thời, ta vẫn có lối thoát, ta vẫn được lợi, được hay, nếu ta theo được chính lý, chính đạo (Tiểu quá. Hanh. Lợi trinh). Trong thời buổi này, chỉ nên làm chuyện những chuyện nhỏ, không nên làm chuyện lớn (Khả tiểu sự bất khả đại sự). Quẻ Tiểu Quá, giữa có 2 Hào Dương, như là mình chim; Trên dưới đều 2 Hào Âm như hai cánh chim; Toàn quẻ trông ngang như hình chim bay. Vì thế Thoán từ mới nói: Con chim bay nhắc nhủ ta bài học này là: Không nên vươn quá cao, mà chỉ nên ở dưới thấp (Phi điểu di chi âm. Bất nghi thượng nghi hạ). Như vậy, mới được an lành (Đại Cát). 

 

Thoán Truyện. Thoán viết.

彖 曰 . 小 過 . 小 者 過 而 亨 也 . 過 以 利 貞 . 與 時 行 也 . 柔 得 中 . 是 以 小 事 吉 也 . 剛 失 位 而 不 中 . 是 以 不 可 大 事 也 .  有 飛 鳥 之 象 焉 . 有 飛 鳥 遺 之 音 . 不 宜 上 宜 下 . 大 吉 . 上 逆 而 下 順 也 .

Tiểu Quá. Tiểu giả quá nhi hanh dã. Quá dĩ lợi trinh. Dữ thời hành dã. Nhu đắc trung. Thị dĩ tiểu sự cát dã. Cương thất vị nhi bất trung. Thị dĩ bất khả đại sự dã. Hữu phi điểu chi tượng yên. Hữu phi điểu di chi âm. Bất nghi thượng nghi hạ. Đại cát. Thượng nghịch nhi hạ thuận dã.

Dịch. Thoán rằng:

Tiểu Âm mà quá hơn Dương,

Thế là Tiểu Quá, vẫn đường hanh thông.

Quá, nhưng minh chính một lòng,

Tùy thời xử thế, ung dung theo thời

Âm nhu, chốn giữa, chững ngôi,

Cho nên công việc nhỏ nhoi, tốt lành.

Dương cương, thất vị, chông chênh.

Kham sao được đại công trình, mà hay?

Quẻ trông mường tượng chim bay,

Chim bay, cánh vỗ đó đây xạc xào

Chẳng bay quá trớn, quá cao.

Theo bề thấp thỏi, thế nào cũng hay.

Cao là thế ngược, thế sai,

Thấp thời mới thuận, mới hay, mới lành.

 

Thoán giải thích: Tiểu Quá là những cái nhỏ quá mức mà vẫn hanh thông (Tiểu Quá. Tiểu giả quá nhi hanh dã). Lúc giao thời, mà vẫn theo được chính lý, chính đạo, mà vẫn thích ứng được với hoàn cảnh, thì mới hay, mới lợi. Có vậy mới là thức thời, mới là theo được đà thời gian (Quá dĩ lợi trinh. Dữ thì hành dã).

Phàm ở đời, tiểu nhân làm nên tiểu sự, quân tử làm nên đại sự. Nay tiểu nhân giữ các địa vị trọng yếu, then chốt, quân tử lại không có ngôi, có vị hẳn hoi. Như vậy, chỉ nên làm những chuyện nhỏ, đừng làm những chuyện lớn. (Nhu đắc trung. Thị dĩ tiểu sự cát dã. Cương thất vị nhi bất trung. Thị dĩ bất khả đại sự dã).

 Quẻ Tiểu Quá gợi nên hình ảnh con chim bay, nó nhắc nhủ ta là trong thời buổi giao thời, không nên vươn cao quá, mà chỉ nên ở dưới thấp, mới là hợp lý (Hữu phi điểu chi tượng yên. Hữu phi điểu di chi âm. Bất nghi thượng nghi hạ. Đại cát. Thượng nghịch nhi hạ thuận dã). 

II. Đại Tượng Truyện.

Tượng viết.

象 曰 .   山 上 有 雷 . 小 過 . 君 子 以 行 過 乎 恭 .  

             喪 過 乎 哀 . 用 過 乎 儉 . 

Sơn thượng hữu lôi. Tiểu Quá. Quân tử dĩ hành quá hồ cung.

Tang quá hồ ai. Dụng quá hồ kiệm.

Dịch. Tượng rằng:

Tiểu Quá, sấm động đầu non,

Hiền nhân quá mức, cũng còn có khi,

Quá khiêm trong lúc hành vi,

Quá sầu, khi gặp những kỳ tóc tang,

Quá ư cần kiệm, kỹ càng.

Tiêu pha, chẳng dám chuyện hoang phí tiền.

 

Tống Bản Thập Tam Kinh bình đại khái rằng:

Thường thì Sấm sinh từ đất, nay sinh trên núi (Lôi Sơn), thế là quá mức. Tiểu nhân thường hay quá mức, quá trớn trong hành vi, cử chỉ, hay cao ngạo, hay phung phí. Muốn sửa lỗi họ, người quân tử cần làm ngược lại, nhưng làm quá mức một chút, để cho họ thấy mà sửa mình. Cho nên người quân tử, có thể nhất thời, vì mục đích giáo hoá, nên trong hành động sẽ quá cung kính, trong tang lễ sẽ quá buồn rầu, trong tiêu dùng sẽ quá cần kiệm.

Ví dụ: Xưa Mạc Ngao có những cử chỉ cao ngạo, thì Chính khảo Phụ, vì muốn răn bảo, đã tỏ ra hết sức khiêm cung, đến nỗi đi đâu cũng nép vào ven tường. Hoặc như Tể Dư, muốn tỉnh giảm lễ để tang còn là một năm, thì Cao Sài khóc đến chảy máu mắt. Hoặc như trước đó, quân tử tiêu sài hết sức phung phí, vợ nọ con kia đầy dẫy, tân khách ra vào tấp nập, thì Án Anh, sau này có phản ứng ngược lại là suốt ba mươi năm, chỉ dùng một áo hồ cừu cũ. Như vậy, Chính Khảo Phụ đã hành quá hồ cung; Cao Sài đã tang quá hồ ai; và Án Anh đã dụng quá hồ kiệm với mục đích dạy đời.

Hoặc như hồi Trung Cổ ở bên Âu Châu, các giáo sĩ mải sống trong giầu sang, nhung lụa, thì thánh Francois d'Assise (1182 - 1226) đã lập ra một dòng khổ tu, cùng các đồng chí ngày ngày đi xin ăn để mà sống... Đó cũng chính là làm điều phải quá mức ít nhiều, để rung lên hồi chuông cảnh tỉnh.

 III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

1. Hào Sơ Lục.

初 六 .     飛 鳥 以 凶 .

象 曰 .     飛 鳥 以 凶 . 不 可 如 何 也 .   

Sơ Lục.

Phi điểu dĩ hung.

Tượng viết.

Phi điểu dĩ hung. Bất khả như hà dã.

Dịch.

Chim bay hứng chí, bay cao,

Bay lâu cao quá, thế nào cũng hung.

Tượng rằng:

Cao bay, sẽ gặp hoạ hung,

Hoạ hung thời chịu, biết chừng làm sao?

 

Sơ Lục là Hào Âm, lại ở chỗ thấp nhất, đáng lý là phải biết an phận, đàng này Sơ Lục cậy có Cửu tứ, tức là người trên quyền thế đỡ đầu, nên xông xáo hăm hở muốn vươn lên. Sự vội vàng hấp tấp, muốn đi quá trớn ấy sẽ đem lại cho đương sự nhiều phiền nhiễu, y như con chim chưa đủ lông, đủ cánh, đã đòi bay bổng. Không thức thời, tiến lên liều lĩnh, bừa phứa như vậy, đến nổi gặp hung hoạ, thời biết làm sao bây giờ (Phi điểu dĩ hung. Bất khả như hà dã).

 

2. Hào Lục nhị.

六 二 .     過 其 祖 . 遇 其 妣 . 不 及 其 君 . 遇 其  . 無 咎 .

象 曰 .     不 及 其 君 . 臣 不 可 過 也 .

Lục nhị.

Quá kỳ tổ. Ngộ kỳ tỷ. Bất cập kỳ quân. Ngộ kỳ thần. Vô cữu.

Tượng viết.

Bất cập kỳ quân. Thần bất khả quá dã.

Dịch.

Qua ông , để gặp cụ bà,

Theo vua chẳng được, ở ra phận thần.

Vậy thời chẳng có lỗi lầm.

Tượng rằng:

Chẳng mong theo kịp quốc quân

Giữ sao không quá phận thần, mới hay.

 

Lục nhị. Hào từ chia làm hai phần:  Phần trên dạy xử sự cho hợp lẽ. Ví dụ: như vợ người cháu (Hào Lục nhị), khi vào lễ nơi tổ miếu, có thể đi qua nơi bài vị của ông Tổ (Hào Cửu tứ), mà đến van vái trước bài vị của bà cô Tổ (Hào Lục ngũ). Thế là Quá kỳ tổ. Ngộ kỳ tỉ. Còn như chính người cháu trai, thì phải đứng lễ về phía ông Tổ.

Phần dưới Hào này, dạy rằng: Bậc thần tử hãy nên biết thân phận mình, đừng nên đòi hỏi nhiều. Ví dụ như một thần tử (Lục nhị), muốn xin vào bệ kiên vua (Lục ngũ), để nhận mạng lệnh mà chẳng được, đành gặp một vị đại thần để nhận mạng lệnh cách gián tiếp. Thế là Bất cập kỳ quân. Ngộ kỳ thần. Cập là có ý muốn gặp, Ngộ là vô tình mà gặp, tình cờ mà gặp. Kinh Xuân Thu cũng phân biệt chữ Cập và chữ Ngộ như vậy.

Tượng Truyện nói rõ hơn, là thần tử không nên vượt quá phạm vi mình. Phải ăn ở sao cho vua ra vua, tôi ra tôi, mới khỏi lỗi lầm (Bất cập kỳ quân. Thần bất khả quá dã). 

 

3. Hào Cửu tam.

九 三 .    弗 過 防 之 . 從 或 戕 之 .  .

象 曰 .    從 或 戕 之 . 凶 如 何 也 .

Cửu tam.

Phất quá phòng chi. Tòng hoặc tường chi. Hung.

Tượng viết.  

Tòng hoặc tường chiHung như hà dã.

Dịch.

Chẳng lo, chẳng liệu đề phòng,

Nhỡ người hãm hại, họa hung đã đành.

Tượng rằng:

Chẳng lo, chẳng liệu đề phòng,

Nhỡ người hãm hại, họa hung vô chừng.

 

Cửu tam bị kẹt ở giữa một bày Âm, mà địa vị lại dở trăng, dở đèn (tam bất trung), cho nên phải hết sức gia ý đề phòng tiểu nhân. Nếu chẳng gia ý đề phòng (Phất quá phòng chi), mà lại còn đua đòi theo bầy tiểu nhân, thì trước sau cũng sẽ bị người hãm hại (Tòng hoặc tường chi). Như vậy là chẳng tốt (Hung).

Theo bày tiểu nhân để đến nỗi bị gia hại, xấu biết chừng nào (Tòng hoặc tường chiHung như hà dã).

 

4. Hào Cửu tứ.

九 四 .     無 咎 . 弗 過 遇 之 . 往 厲 必 戒 . 勿 用 永 貞 .

象 曰 .     弗 過 遇 之 . 位 不 當 也 . 往 厲 必 戒 . 終 不 可 長 也 .

Cửu tứ.

Vô cữu. Phất quá ngộ chi. Vãng lệ tất giới. Vật dụng vĩnh trinh.

Tượng viết.

Phất quá ngộ chi. Vị bất đáng dã.

Vãng lệ tất giới. Chung bất khả trường dã.

Dịch.

Tùy thời, xử thế cho hay,

Rồi ra mới khỏi đơn sai, lỗi lầm.

Thời nghi, thích hợp, vừa khăm,

Mà không quá trớn, lố lăng mới là.

Mưu đồ, sẽ gặp nguy cơ,

Phải nên thận trọng, đắn đo, suy lường.

Chớ nên cố chấp, thủ thường,

Phải nên quyền biến, đảm đương theo thời.

Tượng rằng:

Thời nghi, thích hợp vừa khăm,

Mà không quá trớn, lố lăng mới là,

Vị ngôi chẳng xứng, chẳng vừa,

Mưu đồ nguy hiểm, phải lo, phải lường.

Tiểu nhân đang lúc nhiễu nhương.

Làm sao quân tử có đường thịnh hưng ?

 

Cửu tứ là Dương Hào cư Âm vị , thế là tính cương, mà xử nhu, như vậy không có gì là quá, và cũng là hợp thời. Biết mình sống giữa bầy tiểu nhân, không thể làm gì được, nên cũng giả ngô, giả ngọng cho êm chuyện (Phất quá ngộ chi). Thế tức là: Phượng hoàng thất thế, phải theo đàn gà.

Sống vào thời buổi đảo điên, mà không thức thời, cứ tưởng mình có tài, có đức, là có có thể hoán chuyển được tình thế là lầm. Vì một con én làm sao làm nên được mùa xuân. Cho nên, nếu lo toan, sốc vác, tính chuyện đội đá, vá trời, sẽ gặp nguy lệ (Vãng lệ). Cho nên, cần phải đề cao cảnh giác (Tất giới), và đừng có đối xử cứng rắn với người (Vật dụng vĩnh trinh). Có như vậy, mới biết uyển chuyển theo thời.

Tượng Truyện giải rõ thêm rằng mình phải thích thời, khéo xử, không được đi quá trớn, quá mức (Bất quá ngộ chi), Bởi vì địa vị mình dở dang, bất xứng (Vị bất đáng dã). Nếu làm trái lại, thì không nên (Vãng lệ tất giới), và không thể lâu dài được (Bất khả trường dã).

 

5. Hào Lục ngũ.

六 五 .     密 云 不 雨 . 自 我 西 郊 . 公 弋 取 彼 在 穴 .

象 曰 .     密 云 不 雨 . 已 上 也 .

 Lục ngũ.

Mật vân bất vũ. Tự ngã Tây giao. Công dặc thủ bỉ tại huyệt.

Tượng viết.

Mật vân bất vũ. Dĩ thượng dã.

Dịch.

Mây dầy, mà chẳng mưa rơi,

Mưa dầy, phủ kín cõi trời Tây ta.

Bắn chim trong động mới là,

Vương công bắn lấy, đem ra giúp đời.

Tượng rằng:

Mây dầy, mà chẳng mưa rơi,

Nghĩa là Âm đã cao ngôi quá chừng.

 

Lục ngũ. Sống trong buổi nhiễu nhương, giao thời, mà vị lãnh đạo không phải người tài cao, đức cả (Lục ngũ là Âm nhu chi tài), thì làm sao mà làm ơn, làm ích nhiều cho đời được, có khác nào như một áng mây dày, bồng bềnh bên phía trời Tây, không thành mưa rơi xuống mặt đất được (Mật vân bất vũ). Như vậy, hay hơn hết, là đi tìm hiền thần cộng tác. Mà hiền thần bây giờ còn ẩn náu nơi thôn dã, chưa xuất đầu lộ diện, phải khéo léo mới mời ra cộng tác được. Cầu được những bậc hiền tài này, cũng tỉ như bắn chim nấp trong hang động (Công dặc thủ bỉ tại huyệt).

Vua cũng không nên đi quá trớn. Vua mà quá trớn, thời như đám mây, bay quá cao, làm sao mà thành mưa được (Mật vân bất vũ. Dĩ thượng dã.

 

6. Hào Thượng Lục.

上 六 .     弗 遇 過 之 . 飛 鳥 離 之 .  . 是 謂 災 眚 .

象 曰 .     弗 遇 過 之 . 已 亢 也 .

Thượng Lục.

Phất ngộ quá chi. Phi điểu ly chi. Hung. Thị vị tai sảnh.

Tượng viết.

Phất ngộ quá chi. Dĩ kháng dã.

Dịch.

Quá chừng, chẳng biết thức thời,

Như chim vun vút, khung trời cao bay,

Thế là hung hoạ có ngày.

Rồi ra vạ gió, tai bay khôn chừng.

Tượng rằng:

Quá chừng, chẳng biết thức thời.

Là vì cao quá nóc rồi, còn chi ? 

 

Thượng Lục là kẻ tiểu nhân được thời thế đưa đẩy lên ngôi vị cao. Vì đang đà say danh lợi, không thể kiềm chế được mình, nên đã đi quá trớn, không còn chịu theo lẽ phải (Phất ngộ), và làm những điều ngang chướng, quá quắt (quá chi). Họ sẽ gặp tai ương, y như con chim bay quá cao sẽ bị tai họa (Phi điểu ly chi. Hung. Thị vị tai sảnh).

Tất cả những điều dở dang, trái khoáy đã sinh ra chính là vì đương sự đã đi quá trớn (Phất ngộ quá chi. Dĩ kháng dã). 

ÁP DỤNG QUẺ TIỂU QUÁ VÀO THỜI ĐẠI

Kể từ lúc tôi biết suy nghĩ điều hơn thiệt, đến nay thấm thoát đã 50 năm, lúc đó tôi còn nhớ là tôi chỉ là cô bé con, tuổi mới 13, và ngày hôm đó vào mùa xuân, khoảng 12 tháng 3 Âm lịch, là ngày đưa đám táng mẹ tôi. Mẹ tôi mất, tôi buồn lắm, nỗi buồn in sâu trong lòng tôi, đến nỗi bây giờ đã qua 50 năm, mà tôi còn nhớ rõ những hình ảnh để tôi viết bài này. Hôm ấy, lúc đầu vì còn nhỏ nên tôi được lên xe ngồi chung với người trong họ, để theo xe tang, nhưng khi đi đến khoảng hơn hai phần đường thì tôi xuống xe, và vượt từ từ lên nhập bọn chung với các anh, chị tôi, sát sau xe tang mẹ tôi. Tôi im lặng, lòng buồn khôn tả, đi theo xe chở người mẹ thân yêu, đã hy sinh suốt cuộc đời cho chồng con. Tôi bước theo mà người như mơ, như tỉnh, chợt tôi bừng tỉnh khi nghe tiếng các chị tôi khóc lớn, và nghe như có sự níu kéo ở gần tôi, tôi ngoảnh ra sau, thấy chị dâu trưởng của tôi, mặc sô gai như tôi, đang nằm lăn dưới đất, tóc tai rũ rượi, kêu khóc gọi mẹ tôi, và mọi người đang nâng chị dâu tôi dậy. Lúc đó, tôi bàng hoàng không hiểu tại sao chị dâu tôi lại thương mẹ tôi như vậy, vì cứ chốc chốc chị lại làm như vậy, làm khổ cho mấy người cứ phải ở bên cạnh chị, để nâng đỡ chị, mà tôi lúc ấy tuy còn nhỏ, nhưng cũng hiểu là chị không thương mẹ tôi nhiều như vậy. Sau này, tôi hỏi cô tôi về sự tại sao chị dâu tôi lại vừa khóc mẹ tôi, lại vừa lăn đường như vậy. Cô tôi trả lời vì tục lệ xưa, bắt người con dâu khi mẹ chồng chết phải lăn khóc như vậy.

Sau này, cách đó 48 năm, ở xứ Hoa Kỳ này, tôi lại đi dự một đám tang của một người bà con trong họ, (cũng người Việt Nam), thì tôi thấy khi bà cụ chết đi, thay vì mặc sô gai, hay mặc quần áo trắng thường, thì con cháu nội ngoại bà cụ, đã thuê đồ tang kiểu Âu Châu, ăn mặc sang, đẹp, như đi dự dạ hội, và không có cảnh u sầu khóc lóc như ngày xưa.

Vậy, thời gian đã thay đổi tập tục và con người quá nhiều, cả hai cảnh tượng trước và sau đó đều hơi quá đáng.

Và ai đã sống sau năm 1975, lúc Saigon đổi chủ, đã thấy cảnh hống hách của lũ tiểu nhân, mà dân lúc đó gọi chúng là tụi Cách mạng 30 (tức là ngày 30 Cộng Sản về, nó mới tự xưng là Cách mạng), và cảnh những nhà trí thức, khá giả, giả vờ túng thiếu, đi đạp xe xích lô, hoặc đi gánh rau muống để bán ngoài chợ. Thật là cảnh cười ra nước mắt. Những ai là người BắcViệt, nhất là dân Hà nội, đã sống trong cảnh gia đình khá giả, nho phong khi xưa, chắc còn nhớ là các bậc cha mẹ dạy con thật là nề nếp, cẩn thận. Đi ra đường, gặp ai dù quen thân hay quen sơ, đều phải chào hỏi lễ phép. Tiếng Cô, Cậu dùng để chào hỏi người ít tuổi hơn mình. Tiếng Ông, Bà dùng để chào hỏi người ngang mình, và mình xưng Tôi; nếu mình ít tuổi hơn họ thì mình xưng Con hay Cháu. Nếu người đó già cả khoảng trên 70 tuổi, thì phải dùng tiếng Cụ mà gọi người ta. Chỉ hơi quá đáng một chút, là ai có chút chức phận, thì người ngoài xưng họ là Quan lớn.

Sau 1945, Cộng Sản lên, muốn cho thân mật, họ đã dạy dân thay đổi danh từ Cô, Cậu, Ông, Bà ra Anh, Chị, và thay vì gọi người già cả là Cụ, họ thay thế bằng tiếng Chú, Bác, Cô, Dì vv... Nhưng các cán bộ, có một số cứ dùng danh từ Anh, Chị mà gọi những bậc đáng cha chú mình, nếu những người này là ở thành phần dân chúng.

Sau 1975, Cộng Sản vào Nam, đã nhập vào dân những tập tục thiếu lễ độ đối với các bậc trưởng thượng đó. Có nhiều người đã bị tiêm nhiễm, nên đã dùng danh từ Anh, Chị mà gọi những người trưởng thượng mà họ gặp, mặc dầu những người này đáng cha, chú họ.  Trên đây là những điều mà quẻ Tiểu Quá muốn sửa. Gần đây, có một bài báo đăng tin bên Trung Cộng, chắc giới trí thức cũng thấy dân tộc mình đã sai lầm trong vấn đề xưng hô, nên họ đã ra lệnh sửa lại.

Bao giờ người Việt trở lại nề nếp cũ? tuy nhiên danh từ Quan lớn cũng phải hủy bỏ, vì đã quá kiểu cách.


Nguồn: www.nhantu.net





- Hỗ trợ Dân tộc King -

Đăng nhận xét

0 Nhận xét